Tiền Giang: “giờ vàng” dập dịch bệnh tả lợn châu Phi

Ngày 2/1, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang – Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ, địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm khống chế bệnh tả lợn châu Phi, bảo vệ đàn gia súc vừa tạo nguồn cung nông sản hàng hóa chất lượng, an toàn phục vụ thị trường, nhất là thị trường Tết Nguyên đán 2022 đang tới gần.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tái bùng phát từ đầu tháng 9/2021 vừa qua, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã ghi nhận bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Trước mắt, tỉnh đã tiêu hủy trên 5.400 con lợn của 192 hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh, chiếm 1,96% tổng đàn với khối lượng trên 319 tấn lợn hơi.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương chủ trì, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, ngành bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định cũng như phối hợp cùng các huyện, thành, thị xã chủ động giám sát chặt chẽ dịch tễ, phát hiện sớm, cảnh báo, chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, không để mầm bệnh tồn lưu khiến dịch bệnh lây lan diện rộng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi nói riêng, dịch bệnh trên động vật nuôi nói chung; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; làm tốt việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn hơi, sản phẩm thịt lợn trên địa bàn theo quy định.

pig-01-1641106735.jpeg
Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, nghiêm cấm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đúng quy định hoặc sử dụng sản phẩm lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ; vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Tư pháp, các đơn vị và địa phương có liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh tả lợn Châu Phi cùng các đối tượng tham gia phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi khi có hướng dẫn của cơ quan Trung ương.

Đặc biệt, ngành còn phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thực hiện xét nghiệm PCR/test nhanh dương tính với virus gây bệnh tả lợn châu Phi nhằm kịp thời xem xét triển khai thực hiện việc tiêu hủy ngay lợn có dấu hiệu lâm sàng để cắt đứt mầm bệnh nhằm hạn chế sự phát tán và lây truyền gây bệnh trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi trong khi đặc điểm ngành chăn nuôi lợn ở Tiền Giang vẫn chủ yếu là nuôi theo nông hộ nhỏ, lẻ, tỷ lệ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học chưa cao. Do vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan rất lớn nếu không kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, giám sát dịch tễ và khoanh vùng, dập dịch ngay khi phát hiện.

Đáng lưu ý, cơ quan chức năng tại địa phương cũng xác định dịch tả lợn châu Phi chủ yếu phát hiện trong máu gia súc nhiễm bệnh. Từ khi lợn có dấu hiệu lâm sàng nhiễm bệnh đến lúc bài thải virus ra bên ngoài phải mất từ 2 đến 3 ngày. Sau đó, phải mất từ 1 đến 2 ngày nữa sau khi ra môi trường virus mới có khả năng lây truyền và gây bệnh cho lợn khỏe mạnh.

Thời gian 3 ngày này gọi là “giờ vàng” nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn chỉ tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn dương tính với virus tả lợn châu Phi nhằm bảo vệ số lợn khỏe mạnh còn lại trong đàn, giảm thiệt hại cho hộ chăn nuôi.

Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp chính quyền địa phương và các cấp, các ngành triển khai “giờ vàng” trong ứng phó và dập tắt dịch bệnh tả lợn châu Phi tại Tiền Giang. Nhờ vậy, từ chỗ phải tiêu hủy số lợn gấp ba lần so với số lợn bị mắc bệnh trong những ngày đầu bùng phát thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn dưới 2,5 lần so số lợn mắc bệnh.

Thống kê cho thấy, tỉnh Tiền Giang hiện có tổng đàn lợn trên 275.000 con. Theo ước tính của ngành nông nghiệp địa phương, dịp Tết Nguyên đán 2022, toàn tỉnh cung ứng khoảng 40.000 tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu thị trường. Do vậy, khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung, khống chế bệnh tả lợn châu Phi nói riêng góp phần đảm bảo nguồn nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.