Top 10 Công ty dược uy tín năm 2022: Dược Hậu Giang đứng đầu bảng

Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Theo đó,Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2022 bao gồm: Công ty CP Dược Hậu Giang; Công ty CP Traphaco; Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam; Công ty Dược phẩm Imexpharm; Công ty Dược- trang thiết bị y tế Bình Định; Công ty CP Pymepharco; Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco; Công ty CP Dược phẩm OPC; Công ty CP Dược phẩm Hà Tây.

1-1669370011.PNG
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022, tháng 11/2022

Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng thực hiện nghiên cứu và đưa ra Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2022 bao gồm các công ty: Công ty Cổ Phần Vacxin Việt Nam ; Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP; Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương CPC1; Công ty TNHH Dược Phẩm Khương Duy;Công ty Cổ phần Dược Phẩm Thiết bị Y Tế Hà Nội; Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng; Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn;Công ty Cp Dược liệu Trung ương 2; Công Ty Cổ Phần Dược Phẩm Việt Hà; Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity.

2-1669370018.PNG
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022, tháng 11/2022

Ngoài ra còn có Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín năm 2022 bao gồm: Công ty CP Traphaco; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty CP dược phẩm Nam Hà; Công Ty Dược Phẩm Tâm Bình.

3-1669370023.PNG
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022, tháng 11/2022

Ngành dược Việt Nam hồi phục và tăng trưởng tốt trong năm 2022

Theo nhận định của Vietnam Report, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng nhanh chóng. Một trong những động lực phát triển ngành là nỗ lực của Chính phủ nhằm làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng.

Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.

Theo khảo sát của Vietnam Report triển khai trong tháng 10 - 11/2022, gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhận định của phần lớn các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm theo nhiều cách khác nhau. Do dịch bệnh khiến người dân quan tâm đến sức khỏe và chi nhiều tiền hơn cho các thực phẩm chức năng, vitamin, thực phẩm bổ sung, hồi phục sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19 tại kênh nhà thuốc.

Điều này được thể hiện thông qua sự mở rộng mạng lưới mạnh mẽ của hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm như Long Châu, Pharmacity, An Khang… trong năm vừa qua. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ này có thể lên đến con số 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.

Sau khi chứng kiến mức giảm liên tục trong 9 tháng cuối năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý 1/2022, khởi sắc vào quý 2 với mức tăng trưởng 24,6%, gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.

Niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023

IQVIA dự báo đến năm 2025, thị trường dược phẩm toàn cầu được thiết lập trị giá 1,7 nghìn tỷ USD (theo giá nhà sản xuất), còn Fitch Solutions ước tính doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,5 tỷ USD, chiếm gần 1,8% GDP.

tcbc-duoc-2022-hinh-3-1669370391.png
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2022

Động lực của ngành dược trong dài hạn là sự đầu tư của các đơn vị dược phẩm đa quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học cả nước. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 69,2% số doanh nghiệp trong ngành có niềm tin rõ rệt vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 42,9% số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan vào triển vọng ngành Dược trong năm tới.

Về cơ cấu, thuốc kê đơn được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh số dược phẩm trong những năm tới, nhờ nhu cầu chữa bệnh tăng cao, việc triển khai bảo hiểm y tế quốc gia, thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sự phát triển của thuốc gốc.

Thuốc kê đơn được dự báo đạt 5.754 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng đáng kể là 76,6% tổng doanh thu bán thuốc với tốc độ tăng trưởng kép CAGR (2020-2025) đạt 8,4% (theo Fitch Solution).

Về lĩnh vực điều trị, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, nhu cầu đối với hai nhóm sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư có xu hướng gia tăng lớn nhất trong tối thiểu một năm tới, đạt 85,7%. Trong khi đó, nhóm sản phẩm vaccine và chống đông máu có xu hướng gia tăng thấp hơn, đạt 35,7%. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Khánh Ngân