“Tiếng chuông chùa Tử Đằng” – "khúc cua lạ" trên văn đàn

Nguyễn Đức Hạnh có duyên với nghề viết từ rất sớm. Thời trẻ, anh đã sáng tác thơ, là hội viên hội văn học nghệ thuật của địa phương. Khoảng 4 năm trở lại đây, bút lực của Nguyễn Đức Hạnh khiến giới “nghiện” đọc phải kinh ngạc.

Một trong những cuốn sách ấn tượng nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Đức Hạnh phải kể đến tập truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng”. Đây cũng là cuốn được giới chuyên môn đánh giá cao ở khía cạnh khám phá, cụ thể là cách anh tìm tòi một lối viết khác trong văn chương.

Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh đặt vào “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” 18 truyện ngắn, trong đó, phần lớn được viết theo thể loại hiện thực huyền ảo. Mở ra trang đầu tiên, người đọc như được tác giả nắm tay, dắt vào khu rừng ma mị. Có lúc sợ hãi lạnh gáy, nhưng cũng có những “khúc cua” mềm mại, những “con dốc” hiền lành đến dễ chịu, khiến người đọc muốn chìm mãi trong đó: “Có những buổi sớm mai trong lành, yên bình đến kỳ diệu, hoa sen trong hồ bỗng nở thơm bát ngát. Cây vối thả muôn ngàn lá xanh bay bịn rịn ra thăm cánh đồng lúa chín vàng...”; “Hôm ấy trời đẹp, cao tốc mênh mông, mịn mượt như dải lụa...”; “Phố Đán vẫn gối đầu lên ngực gió mà ngủ thiu thiu. Cây đa sau mùa rụng lá tự nhiên không ra lá non nữa, những cành cây đen đúa như những cánh tay người đang cố với lên trời cao níu mây trắng trôi qua...”.

1-1-1662109752.jpg
Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh sinh năm 1962.

Cứ thế, Nguyễn Đức Hạnh “ru” người đọc vào những câu viết đậm chất thơ, rồi lạnh lùng buông tay, thả họ vào trôi vào không gian rờn rợn cùng những hồn ma. Hình ảnh hồn ma trong truyện của Nguyễn Đức Hạnh cũng rất khác so với quan niệm của số đông. Chẳng hạn, khi tả hồn ma của những hài nhi, anh viết: “Những tiếng chuông mềm mại như lụa. Tôi cùng linh hồn bọn trẻ ùa vào, ôm chặt tiếng chuông, reo hò, cười hát...”.

Trong lúc chìm đi cùng những con chữ của tác giả, người đọc vẫn đủ tỉnh táo để cùng anh khám phá hành trình của các nhân vật trước khi họ trở thành hồn ma. Nhìn chung, khuynh hướng văn chương kỳ ảo hậu hiện đại không dễ chinh phục đọc giả, bởi văn đàn thế giới đã có quá nhiều tác phẩm làm rung chuyển thị trường, chinh phục người đọc nhiều lứa tuổi. Và, để chinh phục độc giả của riêng mình, các nhân vật thực và nhân vật ảo trong truyện của Nguyễn Đức Hạnh có sự hòa nhập nhuần nhuyễn, thành thục. Người và ma gần gũi và có thể trò chuyện thân mật với nhau như bạn bè. Nói cách khác, tác giả không cố gắng làm độc giả khiếp sợ bỏ chạy, mà níu chân họ ở lại để quan sát, lắng nghe câu chuyện của những hồn ma, để rồi thấy rằng họ đang có mặt ở trong đời thực một cách tự nhiên, bình thản.

1121212-1662109824.JPG
Tập truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt bạn đọc năm 2022.

Đan xen những đoạn đặc tả vô cùng lãng mạn, mềm mại, người đọc vẫn thấy rất rõ phong cách của Nguyễn Đức Hạnh: mạnh dạn, thẳng thắn và cực kì bản lĩnh. Đặc biệt là bản năng thích chinh phục, khám phá của một người đàn ông đam mê văn chương.

Dĩ nhiên, với những độc giả kĩ tính, họ đòi hỏi nhiều hơn ở tác giả yếu tố mượt mà trong câu chữ và tính ly kỳ trong các tình tiết của thể loại hiện thực huyền ảo, nhưng nhìn chung, tập truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” đã hoàn thành tốt sứ mệnh của văn chương, đó là hướng tới bản chất con người trong các giá trị nhân văn và thẩm mỹ. Nói cách khác, Nguyễn Đức Hạnh đã có những thành công nhất định khi dấn thân vào thể loại đầy thử thách này.

Tiểu Mai