Thương mại điện tử rút ngắn khoảng cách sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

Cả nước hiện có trên 10 nghìn sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, trên 50% số sản phẩm nằm ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Nếu chỉ dựa vào các kênh phân phối truyền thống thì rất khó để tiếp cận thị trường. Do vậy, cần khai thác lợi thế từ thương mại điện tử để tạo sức bật cho sản phẩm OCOP.
ocop-san-thuong-mai-dien-tu-02-1709608611.jpg
Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch.(Ảnh minh họa)

Sản phẩm OCOP gặp bất lợi do khâu kết nối, tiêu thụ

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên cả nước được mùa. Nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong ngắn hạn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo... đang là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân.

Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, Bộ Công thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.

ocop-san-thuong-mai-dien-tu-01-1709608688.jpg
Tỉnh Lào Cai có 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số. (Ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Chính bởi vậy, kênh thương mại điện tử (TMĐT) được coi là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) nhỏ, hộ kinh doanh...

Để đưa sản phẩm địa phương lên các sàn TMĐT, ngoài khó khăn vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, giao nhận sản phẩm, các quy trình chăm sóc sau bán hàng cũng là băn khoăn lớn của không ít DN khi hướng tới kênh phân phối TMĐT. Trên thực tế, ngoài một số thành phố lớn, số lượng DN ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT không nhiều. Việc phát triển trên kênh TMĐT như website, sàn giao dịch TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, DN còn khiêm tốn và không thực sự mang lại giá trị như mong muốn.

Tạo cơ chế thu hút địa phương và doang nghiệp đưa OCOP lên sàn

Đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh trực tuyến là vấn đề được cơ quan quản lý, các địa phương cũng như cộng đồng DN chú trọng thời gian qua trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển.

Để gia tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các loại hình kênh phân phối nói chung và trên sàn thương mại điện tử nói riêng, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, có 3 vấn đề mấu chốt cần triển khai gồm: chất lượng căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu. “Để nâng tầm của sản phẩm OCOP, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đa kênh, kết hợp xúc tiến thương mại bằng các kênh truyền thống như tổ chức hội chợ và các triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu” - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương), thời gian qua, Trung tâm đã và đang kết nối các sở, ban, ngành địa phương với các nền tảng TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT để triển khai mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT lớn. Mô hình này sẽ cung cấp các giải pháp đồng bộ, giúp DN ở các địa phương tối ưu quy trình vận hành, quản lý kênh bán hàng để phân phối các sản phẩm của các DN tại địa phương đạt hiệu quả tốt nhất.

ocop-san-thuong-mai-dien-tu-03-1709608623.jpg
Bên cạnh việc khai thác hiệu quả kênh bán hàng truyền thống, cần đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số cho biết, mô hình Flagship Store hướng đến tất cả những DN có nhu cầu phát triển bán hàng trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, mô hình cũng mong muốn hỗ trợ cho các DN với sản phẩm tiềm năng nhưng khó khăn về nhân sự hoặc chi phí để mở rộng kênh bán hàng qua sàn TMĐT.

“Khi tham gia mô hình này, mỗi tỉnh thành, địa phương sẽ được thiết lập 1 gian hàng trên các sàn TMĐT lớn, trong đó sẽ tập trung tất cả DN sản xuất và các sản phẩm của tỉnh để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT. DN sẽ được tư vấn những thông tin hữu ích và thực tế về thị trường, chiến lược kinh doanh, các chiến dịch bán hàng… trong suốt thời gian tham gia đồng hành” - ông Hoàng thông tin.

Được biết, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã và đang làm việc với một số DN về công nghệ và dịch vụ, để khi giải pháp này đi vào vận hành sẽ trực tiếp hỗ trợ các DN trong việc thiết lập gian hàng, marketing, PR, livestream bán hàng, quản lý kho vận, chăm sóc phản hồi khách hàng… nhằm tối ưu cả về chi phí và hiệu quả bán hàng.

Với những nỗ lực và sự chung tay phối hợp từ cơ quan nhà nước, DN và cả các nền tảng TMĐT, mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn TMĐT hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thiết thực. Về phía DN có cơ hội mở rộng thị trường phân phối TMĐT với nhiều tiềm năng, về phía người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm địa phương dễ dàng. Giải pháp cũng tin tưởng góp phần vào sự phát triển của TMĐT nói riêng và phát triển kinh tế địa phương nói chung.

Việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm… Tuy nhiên, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các chủ thể OCOP cần tăng cường tuyên truyền cho sản phẩm tới người tiêu dùng, chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên sàn thương mại điện tử, cải thiện chất lượng về nội dung đăng tải trên các sàn thương mại điện tử nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng./.

Bình Châu