Thừa Thiên Huế: Triển lãm chuyên đề 'Nhật ký trong tù - Bảo vật Quốc gia'

Sáng 19/5, Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai mạc triển lãm "Nhật ký trong tù - Bảo vật Quốc gia", chào mừng 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 80 năm ra đời tác phẩm Nhật ký trong tù (1943-2023) đã diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh và Khai mạc triển lãm tư liệu, hình ảnh, hiện vật với chủ đề “Nhật ký trong tù – bảo vật quốc gia”.

Theo Ban Tổ chức, có 180 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày với 3 chủ đề: Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù - Bảo vật Quốc gia, Nhật ký trong tù - Lan tỏa những giá trị tư tưởng, nhân văn. Điểm nhấn của triển lãm là tập trung vào chân dung tác giả - Hồ Chí Minh, nguồn gốc ra đời của tác phẩm, bản chụp bút tích 53 trang với 133 bài thơ và các trang ghi chép trong tác phẩm Nhật ký trong tù.

dang-hoa-mung-sinh-nhat-bac-1684490092.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế dự lễ dâng hoa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: VOV)

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính dâng hoa trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ sâu sắc trước công lao to lớn Người đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế Lê Thùy Chi, tác phẩm "Nhật ký trong tù" luôn là nguồn cảm hứng không chỉ của những nhà nghiên cứu, mà còn của những nghệ sỹ Việt Nam và thế giới. Triển lãm giúp khách tham quan có thêm cơ hội thưởng lãm, tìm hiểu có hệ thống, toàn diện vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm "Nhật ký trong tù"; nơi từng câu chữ ẩn chứa sức sống mãnh liệt của Người trong tù đày gian khổ, thấm sâu và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn cao cả. Triển lãm góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, chiến sỹ, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế trẻ.

nhat-ky-trong-tu-1684490180.jpg
Triển lãm tập trung giới thiệu chân dung tác giả Hồ Chí Minh, nguồn gốc ra đời của tác phẩm, bản chụp bút tích 53 trang - 133 bài thơ và các trang ghi chép trong Nhật ký trong tù. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế online)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự nhận mình là nhà báo, nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, mà chỉ tự nhận mình là một nhà cách mạng chân chính, mọi hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là công cụ để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã để lại một kho tàng thơ văn vô giá, bao gồm các tác phẩm chính luận, báo chí, văn chương, thi ca... Trong đó, có 5 tác phẩm đã được Nhà nước công nhận Bảo vật Quốc gia đó là Đường Kách mệnh; Nhật ký trong tù; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di Chúc của Người.

dich-gia-1684490304.jpg
Góc giới thiệu chân dung các dịch giả đã chuyển ngữ tác phẩm Nhật ký trong tù. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế online)

Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những ngày Người bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 khi Người đi công tác sang Trung Quốc. Đây là một văn kiện lịch sử quan trọng đồng thời là một tác phẩm văn học lớn thể hiện tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, tác phẩm lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi năm 1960, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và được bạn bè quốc tế đón nhận, đến nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Hàn Quốc, Myanmar, Nga, Nhật Bản, Pháp, Romania, Séc, Trung Quốc.../.

Ánh Dương (t/h)