Thị trường tín chỉ các bon rừng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng còn đang để ngỏ

Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ các bon rừng. Điều tra của Cục Lâm nghiệp cuối năm 2023 cho thấy, cả nước có thể đang dự trữ 50-70 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ (tương đương ERPA), Việt Nam có thể thu về từ 200-300 triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.
tin-chi-cac-bon-rung-02-1710475819.jpg
Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ các bon rừng. (Ảnh minh họa)

Thị trường tín chỉ các bon là một hướng đi bền vững cho ngành lâm nghiệp

Cục Lâm nghiệp cho biết, đơn vị đang triển khai thành lập hồ sơ cấp tín chỉ các bon rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, gồm tài liệu đăng ký và báo cáo tín chỉ giảm phát thải cho năm 2021 và 2022. Sau khi xin ý kiến của Bộ NN-PTNT, Cục tiếp tục hoàn thành thủ tục để ký thỏa thuận hỗ trợ với Cục Chuyển đổi và Phát triển bền vững, Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy để tiến hành thẩm định, xác minh hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ.

Trước đó, Tổ chức Emergent đã ký Ý định thư với Bộ NN-PTNT. Trong năm 2023, tổ chức này đã khảo sát, đánh giá chuyên sâu và lựa chọn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam làm trung gian tài chính để triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Thỏa thuận này được ký giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), đồng thời, IBRD đã chuyển giao lại cho Bộ NN-PTNT khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Xác định thị trường tín chỉ các bon là một hướng đi bền vững cho ngành lâm nghiệp, các đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực mới mẻ này. Trong đó, Đại học Lâm nghiệp đã triển khai các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý tín chỉ các bon rừng.

tin-chi-cac-bon-rung-01-1710475881.jpg
Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.(Ảnh minh họa)

Tham mưu thêm về vấn đề này, ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, rằng việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ các bon tại nước ta hiện dựa hoàn toàn vào tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, rà soát giữa quốc tế và trong nước có thể tồn tại những độ vênh nhất định.

Ông Đồng thông tin, một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Indonesia và Thái Lan đã thành lập một số tổ chức cấp tín chỉ các bon, phù hợp với thông lệ quốc tế và được chấp thuận. Trên cơ sở này, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, tạo điều kiện để thành lập những tổ chức trong nước đủ thẩm quyền cấp tín chỉ các bon.

"Tương tự như chứng chỉ rừng, Việt Nam đã chủ động thành lập Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO), đến nay đã được nhiều tổ chức quốc tế như PEFC công nhận. Tôi cho rằng, điều tương tự có thể làm với tín chỉ các bon", ông Đồng bày tỏ.

Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ các bon rừng. Điều tra của Cục Lâm nghiệp cuối năm 2023 cho thấy, cả nước có thể đang dự trữ 50-70 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ (tương đương ERPA), Việt Nam có thể thu về từ 200-300 triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế một số địa phương hiện còn vướng về vấn đề này. Chẳng hạn, Quảng Nam là tỉnh có độ che phủ rừng gần 60%, thuộc tốp đầu cả nước. Cách đây 3 năm, tỉnh được lựa chọn để triển khai Kế hoạch thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+). Nhưng đến giờ, kế hoạch chưa được Chính phủ phê duyệt.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ chọn triển khai thí điểm bán tín chỉ carbon trên thị trường tự do nhưng đến nay vẫn chưa chính thức triển khai được.

“Vướng vì không chỉ định được mà phải đấu thầu. Chúng tôi cũng xin cho chỉ định một đơn vị tư vấn luôn nhưng đang vướng chỗ đó. Hiện nay chúng tôi cũng tích cực bám Trung ương để làm việc này. Tỉnh Quảng Nam sẽ tích cực bảo vệ rừng và tin tưởng đến khi bán được tín chỉ carbon thì mỗi năm thu về hơn 100 tỷ đồng. Khi bán được sẽ đem tiền này phát triển rừng chứ không làm việc khác”, ông Hồ Quang Bửu nói.

Thị trường carbon là xu thế không thể đảo ngược

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (1997). Các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới đã xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm, hấp thụ phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, thế giới giao dịch tín chỉ carbon trên hai thị trường là bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.

Hiện tại, lớn nhất là thị trường carbon châu Âu và thị trường carbon Hoa Kỳ... Thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Tín chỉ carbon là một chứng nhận đại diện cho việc giảm phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2). Các tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường carbon, nơi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí nhà kính mà họ phát thải.

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hiện rất sôi động. Việc phát triển thị trường này không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước hướng tới “Net Zero” và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Thế giới hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Tại Việt Nam, thị trường carbon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

tin-chi-cac-bon-rung-03-1710475799.jpg
Việc phát triển thị trường carbon không chỉ là xu thế xanh mà còn là cơ hội để các nước chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Theo ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có "độ mở" cao, nếu áp dụng sớm thị trường sẽ đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm phát thải.

Việc này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, khiến doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ; cũng như xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành và làm chủ các công nghệ, máy móc mới. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng ta vẫn phải làm, phải chuyển đổi, bởi nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc hình thành thị trường tín chỉ carbon là thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).

Bằng công cụ kinh tế để quản lý phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo ra thị trường tín chỉ carbon công khai, minh bạch, trên cơ sở xác định tổng lượng phát thải, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các địa phương, lĩnh vực, thậm chí đến từng chủ thể phát thải; sử dụng các công cụ kinh tế để thay đổi nhận thức, hành vi trong phát thải khí nhà kính.

Thị trường tín chỉ carbon chỉ có hiệu quả, lợi ích thực sự nếu được áp dụng đồng bộ, rộng khắp và công bằng trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một số quốc gia, khu vực bắt đầu áp dụng những công cụ kinh tế để quản lý lượng phát thải khí carbon đối với một số sản phẩm hàng hóa.

Phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia./.

Bình Châu