Tân Kỳ (Nghệ An): Thành công bước đầu từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Sau một thời gian thử nghiệm, mô hình liên kết trồng cây ngô ngọt và mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây khoai tây tại huyện Tân Kỳ bước đầu đã mang lại thành công, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, mô hình được thực hiện trên địa bàn 4 xã (Nghĩa Hợp, Kỳ Tân, Tân long và Tân Hương) với tổng diện tích 24ha. Mục đích nhằm chuyển đổi từ ngô sinh khối sang loại ngô mới cho giá trị thu nhập cao hơn, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Đến nay, một số trà ngô đã cho thu hoạch. Dự kiến năng suất đạt từ 100-140 tạ/ha, mô hình “Thâm canh cây ngô ngọt theo chuỗi giá trị” mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với ngô sinh khối đại trà.

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng được đảm bảo, các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn cam kết thu mua 100%, cho ứng giống, hỗ trợ kĩ thuật, cho thấy an toàn hơn trồng một số cây trồng khác.

ngo-1-20230220175658-1676951814.jpg
Huyện Tân Kỳ thành công bước đầu từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Thời gian qua phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Kỳ cũng đã liên kết với Viện sinh học nông nghiệp để xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây khoai tây. Mô hình có quy mô 2ha với sự tham gia của 2 hộ, được trồng ở vùng đồng bãi Dâu, xóm Hồng Sơn - xã Nghĩa Hợp. Đây là giống khoai tây Atlantic có nguồn gốc từ Mỹ. Thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày, tỷ lệ củ thương phẩm cao hơn 90%. Kết quả thu hoạch cho thấy mô hình trồng khoai tây cho năng suất 18 tấn/ha, mang lại thu nhập đạt từ 138,6 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 2,5 – 3,5 lần so với thực tế sản xuất một số cây trồng khác trên vùng đất khi chưa chuyển đổi.

Thời gian tới UBND huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình trồng ngô ngọt, trồng khoai tây theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng nhiều hơn để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững.

Quốc Cường