Quy định của pháp luật liên quan đến việc chuyển khoản nhầm

Sự phát triển của ứng dụng ngân hàng số giúp việc giao dịch, chuyển khoản trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những sơ xuất cá nhân khiến việc chuyển khoản nhầm ngày một phổ biến. Vậy, theo quy định của pháp luật, các cá nhân liên quan tới việc chuyển khoản nhầm có trách nhiệm ra sao?
141-1677205330.png

Theo quy định tại khoản 1, điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tiền chính là tài sản, bên cạnh vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Việc chiếm hữu tiền (chiếm hữu tài sản) chỉ được xem là có căn cứ pháp luật nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1, điều 165 Bộ luật dân sự 2015.

Đối chiếu với trường hợp này, người nhận tiền do chuyển khoản nhầm là việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Do đó, người chuyển tiền nhầm có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại điều 166 Bộ luật dân sự 2015.

Cụ thể, khoản 1, điều 166 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật".

Trong trường hợp này, khi được yêu cầu hoàn trả lại tiền, người nhận được tiền chuyển nhầm phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho người chuyển tiền nhầm, nghĩa vụ này được quy định rất rõ tại khoản 1, điều 579 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điều 236 của Bộ luật dân sự 2015.

Trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm vẫn cố tình không trả lại tiền sau khi đã được người chuyển nhầm và ngân hàng thực hiện các thủ tục thông báo đòi lại tiền, tùy theo mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật như sau:

- Xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 15 nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép (điểm b, khoản 4, điều 15 nghị định 144).

- Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chiếm giữ trái phép tài sản" quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015, đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự 2015) nếu tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, trường hợp của bạn, nếu người nhận được tiền chuyển nhầm nhưng cố tình không trả khi đã được bạn và phía yêu cầu can thiệp yêu cầu hoàn trả.

Nếu số tiền chiếm giữ trái phép mà người nhận tiền chuyển nhầm dưới 10.000.000 đồng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 5.000.000 đồng theo nghị định 144.

Nếu số tiền chiếm giữ từ 10.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Như vậy, người nhận được tiền chuyển khoản do sơ xuất của người chuyển và không thuộc quyền sở hữu của mình có nghĩa vụ phải hoàn trả lại người chuyển khoản nhầm. Mọi hành vi chi tiêu, sử dụng số tiền chuyển khoản nhầm sẽ bị khép vào tội chiếm giữ tài sản bất hợp pháp./.

Đăng Nguyễn