Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng không thể đảo ngược

Để hướng đến mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược.
nang-luong-sach-02-1705824096.jpg
Các dự án điện gió và mặt trời phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Năng lượng tái tạo phát triển vượt bậc

Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng, do đó, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước.

Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc, tạo cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam. "Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% đến 9,36%. Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.

nang-luong-sach-01-1705824196.jpg
Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió.

Hiện nay, đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP 26.

Theo Quy hoạch điện VIII, về nguồn điện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây (điện gió trên bờ tăng từ 16.000 MW (11%) vào năm 2030 lên 56.000 MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000 MW (4,8%) vào năm 2030 lên 64.500 MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên 76.000 MW (19,6%) vào năm 2045). Tỷ trọng điện năng của các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) trong tổng điện năng sản xuất đạt 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045, giúp tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển năng lượng sạch

Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10-12% hằng năm, để tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng, Việt Nam cần làm rõ thực trạng tiến trình phát triển, đánh giá các cơ hội, thách thức cần đối mặt. Thông qua đó, đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.

Đề cập về Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), TS.Phạm Cảnh Huy - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, các cơ quan Nhà nước đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chú trọng tới phát triển NLTT.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mặc dù chưa có luật riêng về NLTT như nhiều nước khác trên thế giới nhưng việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT được quy định trong các nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Cụ thể là Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng vào đời sống thực tiễn, với mục tiêu là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phát triển NLTT vì sự phát triển bền vững của đất nước.

TS.Phạm Cảnh Huy cho rằng, hiện nay nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất để có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhiều chính sách tích cực đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo.

Tác động của cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Quyết định 11 và cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định số 39, đã thúc đẩy các dự án điện gió và mặt trời phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo TS.Phạm Cảnh Huy, trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg có nêu “Đơn vị phát điện và đơn vị phân phối điện cần đáp ứng các tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương quy định mức tỷ lệ tối thiểu các nguồn năng lượng tái tạo của các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện hàng năm)”. Tuy nhiên, hiện chưa có những quy định cụ thể để triển khai thực hiện nội dung này.

Theo Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp để hỗ trợ tài chính cho phát triển và sử dụng NLTT đó là “Thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững”. Quỹ này sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường đối với năng lượng sơ cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích phát triển ngành năng lượng trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, Quỹ này chưa được thành lập, mặc dù vậy cũng cần phải xem xét sự trùng lặp với Quỹ Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường hiện cũng có chức năng hỗ trợ đối với các dự án khai thác, sử dụng năng lượng sạch và có sản phẩm thân thiện với môi trường.

nang-luong-sach-03-1705824077.jpg
Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch giảm phát thải.

Liên quan vấn đề này, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng khẳng định, nhờ các chính sách khuyến khích, đồng bộ với các mục tiêu phát triển đặt ra đã giúp năng lượng tái tạo ở Việt Nam có sự phát triển nhanh, vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu vẫn còn nhiều thách thức.

Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Bên cạnh đó, các chính sách, quy định khuyến khích phát triển thời gian qua chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Mặc dù việc bổ sung quy hoạch nguồn điện được tính toán đồng bộ quy hoạch lưới, nhưng tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt còn chậm, dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực…

Do đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng cũng như có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo; tiếp tục xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật Năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy ngành phát triển./.

Bình Châu