Những ứng dụng của blockchain trong phát triển nông nghiệp

Nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hoá nông nghiệp trong nước và xuất khẩu. Cùng với sự phát triển công nghệ và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số áp dụng công nghệ cao kỳ vọng sẽ giúp ngành Nông nghiệp Việt Nam gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.

Blockchain được đánh giá là một trong những nền tảng công nghệ số tiềm năng trong việc áp dụng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu Nông nghiệp. Tiêu biểu như công nghệ truy xuất nguồn gốc đang là giải pháp để gây dựng lòng tin cho người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân quản lý hiệu quả quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Công nghệ Blockchain giúp người nông dân quản lý môi trường, điều kiện sinh trưởng, sức khoẻ của cây trồng thông qua việc phân tích, giám sát các dữ liệu nông học được tự động thu thập như nhiệt độ, độ ẩm, dịch bệnh, chất lượng, đất, nước,… Từ đó người nông dân có cơ sở dữ liệu định lượng để có thể đưa ra các quyết định hợp lý nhằm tăng năng suất và giảm chi phí quản lý.

truy-xuat-nguon-goc-blockchain-1677743659.jpg
Blockchain giúp truy xuất nguồn gốc xuất xứ quá trình trồng trọt, sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo thời gian thực trên cơ sở dữ liệu có thể được xác thực bởi các đơn vị trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Nhờ các ứng dụng Blockchain hỗ trợ ghi nhận nhật ký sản xuất điện tử với các trường dữ liệu được thiết lập mặc định, quá trình trồng trọt/ canh tác của người thực hiện được đơn giản hoá và cho phép người nông dân có thể chủ động kiểm soát quá trình làm việc của mình và của các đơn vị khác. Từ đó, đảm bảo việc chuyển giao thông tin nhanh chóng và, chính xác và nâng cao tính trách nhiệm của mỗi đơn vị sản xuất.

Quản trị vùng sản xuất

Với dữ liệu được lưu trữ bất biến trên nền tảng Blockchain, doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý nông trại/trang trại từ xa và theo dõi sản phẩm từ nguồn cung đến người dùng một cách hiệu quả mà không cần thông qua các thương lái trung gian. Doanh nghiệp có thể tự định giá được sản phẩm của mình, tạo lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm khác trên thị trường. Blockchain cung cấp khả năng xác thực dữ liệu cho người tiêu dùng, đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng đạt chất lượng cao và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ đó gây dựng lòng tin của khách hàng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm chính hãng có tem truy xuất nguồn gốc Blockchain được phân phối tại các hệ thống cửa hàng.

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ Blockchain là công cụ để doanh nghiệp và người nông dân dự báo được sản lượng nông sản để lên kế hoạch thu mua và tiêu thụ theo dự báo về nhu cầu thị trường thông qua các dữ liệu sản lượng nông sản đã tiêu thụ trong các mùa vụ trước đó. Đồng thời phát hiện kịp những sai sót, định vị phạm vi ảnh hưởng và thu hồi sản phẩm kịp thời.

Sàn thương mại điện tử

Đối với sàn thương mại điện tử, thông tin các sản phẩm được hiển thị trên sàn sẽ được ghi nhận và lưu trữ trên nền tảng Blockchain trước khi được đưa lên sàn hoặc cung cấp mã QR cho phép người dùng quét mã để xác thực thông tin sản phẩm.

blockchain-ecom-1677743807.jpg
Ứng dụng của blockchain vào thương mại điện tử hứa hẹn sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí của người kinh doanh nông sản

Blockchain minh bạch thông tin thực phẩm cung cấp đến người tiêu dùng và giảm thiểu chi phí để chứng minh các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo “bảo hiểm thực phẩm” điện tử hạn chế được tối đa các rủi ro về lẫn lộn hàng giả, hàng kém chất lượng khi lựa chọn mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ Blockchain tại các địa phương ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai nên còn gặp nhiều hạn chế. Để có thể thúc đẩy hiệu quả của định hướng này, cần thiết các bộ ban ngành tại địa phương cần đưa ra chính sách và hoạt động hỗ trợ các tổ chức/ doanh nghiệp, đặc biệt là các nông hộ có cơ hội tiếp cận gần hơn với công nghệ Blockchain và các giải pháp công nghệ Blockchain. Điều này tạo nền tảng kiến thức vững chắc để triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain vào giải quyết các bài toán thực tiễn, đưa ra lộ trình triển khai cụ thể phù hợp với thực trạng của từng địa phương, từ đó giúp Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và đảm bảo thu nhập người nông dân Việt.

Đăng Nguyễn