Những Lợi ích kinh tế tuần hoàn đem lại

Kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đưa vào hệ thống kinh tế, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại đầu vào cho hệ thống kinh tế dưới dạng chất thải là đầu vào của hệ thống kinh tế.
8124-1679360696.jpg
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp rất chú trọng đến mô hình kinh doanh tuần hoàn

Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi. Với nền kinh tế tuyến tính, nguyên liệu thô được khai thác từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế và kết thúc chu trình kinh tế là thải loại ra môi trường tự nhiên, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Kinh tế tuần hoàn có những ưu điểm và lợi ích như sau:

- Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

- Đối với xã hội: Kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...

- Đối với doanh nghiệp: Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trên phạm vi toàn thế giới, áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích kinh tế 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 (Lacy, P., & Rutqvist, J, 2015). Riêng ở khu vực châu Âu, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội mà còn giúp tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1,8 nghìn tỷ Euro vào năm 2030 (McKinsey & Co).

Một số ngành được đánh giá là có cơ hội lớn hơn trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: lương thực và nông nghiệp, thời trang và dệt may, xây dựng và vật liệu xây dựng, hệ thống năng lượng và carbon, hóa chất, điện tử và công nghệ cao./.

Lê Hoàng