Kỳ tích trong nông nghiệp dấu ấn tăng trưởng xanh

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp vẫn tạo ra những bước tăng trưởng ngoạn mục. Trong đó, sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%... Nhờ đó tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
4-dau-an-nong-nghiep-3-1707497031.jpg
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp vẫn tạo ra những bước tăng trưởng ngoạn mục. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp vượt con gió ngược tạo kỳ tích

“Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2023.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn.

Nhờ đó, nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở những mặt, lĩnh vực như: Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%). Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.

Theo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, sản lượng lúa cả nước năm 2023 vẫn đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỉ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Về sáu mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD gồm: hàng rau quả đạt 5,69 tỉ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỉ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỉ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỉ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỉ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỉ USD, giảm 16,5%.

Sầu riêng, cùng với cà phê và lúa gạo là ba mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất với doanh số xuất khẩu tăng ấn tượng trong năm 2023, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp, cũng như đưa hàng chục ngàn nông dân trở thành tỉ phú.

Nếu như trái cây "vua" có mức kỷ lục gấp 5, gấp 10 các năm trước thì "hạt ngọc" Việt Nam trên thị trường xuất khẩu năm 2023 cũng đạt "mùa vàng" về giá cả lẫn kim ngạch. Đặc biệt, gạo Việt ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường khi vừa qua gạo ST25 một lần nữa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này cũng góp phần giúp ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu từ ngày 19-12.

3-nong-nghiep-xanh-4-1707497087.jpg
Rau quả góp phần tạo kỳ tích tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2023. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết của ngành Nông nghiệp năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế.

Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp. Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

Dấu ấn tăng trưởng xanh và bền vững

Tạo nên lỳ tích tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là nhờ nỗ lực chuyển đổi về chất với dấu ấn tăng trưởng xanh và bền vững. Theo Bộ NN-PTNT, từ một đất nước thiếu lương thực, Việt Nam đã nằm trong nhóm những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Ngành nông nghiệp đóng góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, những thành tựu trong ngành nông nghiệp có sự đóng góp vô cùng to lớn của KH-CN. Theo ước tính, KH-CN đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ KH-CN mà tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao.

2-dau-an-nong-nghiep-2-1707497016.jpg
Chuyển đổi xanh giúp nông nghiệp phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2020 - 2023, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận. Bộ NN-PTNT công nhận 36 tiến bộ kỹ thuật đưa vào phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm không ngừng được mở rộng. Để đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, Việt Nam định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững, thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình hợp tác công - tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

"Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để thực hiện mục tiêu trở thành bếp ăn cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm của thế giới", ông Tiến nói.

1-dau-an-nong-nghiep-1-1707497165.jpg
Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để phát triển xanh và bền vững (Ảnh minh họa).

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, quá trình chuyển đổi xanh trong nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Đáng chú ý là có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và cả hệ thống chính trị, thông qua nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi xanh. Điển hình như các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết 19…

“Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận, nâng cao năng suất trong chuỗi giá trị nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, mang lại lợi ích lớn hơn cho hợp tác xã và các thành viên”, ông Hùng phân tích./.

Bình Nguyên