Kinh tế số tạo động lực để thu hút 'đại bàng' công nghệ

Việt Nam đang có bước tăng tốc trong chuyển đổi số đây là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư. Trong đó, để đủ lực đón những "đại bàng" công nghệ cần có những bước đột phá nâng cao kỹ năng số và chất lượng nguồn nhân lực.
chuyen-doi-so-thu-hut-dai-bang-01-1704252916.jpg
Tại San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Tập đoàn Synopsys về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Nghị quyết Đại hội 13 đưa ra định hướng đến năm 2021 – 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, trong những năm gần đây, kinh tế số của Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Yếu tố then chốt thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghệ số

Theo Google, Temasek, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

PGS.TS Đinh Thị Nga, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, tỷ lệ đóng góp vào GDP từ kinh tế số của Việt Nam là khá ấn tượng. Các nền tảng dùng chung, thương mại điện tử ngày càng thể hiện sự mở rộng và hiệu quả đem lại.

Kinh tế số đang là một xu hướng không thể đảo ngược, có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức liên quan đến thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực số.

Theo PGS.TS Đinh Thị Nga, trong bối cảnh hiện nay, với một khát vọng Việt Nam hùng cường cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt các giải pháp nhằm hạn chế các khó khăn và nắm bắt thời cơ hòa nhịp với xu hướng.

Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế số tại Việt Nam là nâng cao kỹ năng số và chất lượng nguồn nhân lực.

“Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam”, PGS.TS Đinh Thị Nga nhấn mạnh.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay yêu cầu sử dụng người có trình độ CNTT tại nhiều bộ ngành, địa phương lớn hơn 50% số lượng chỉ tiêu biên chế được giao (năm 2021 sử dụng 10.865/5.426 chỉ tiêu biên chế; năm 2022 sử dụng 11.253/5.568 chỉ tiêu biên chế; năm 2023 sử dụng 14.682/6.215 chỉ tiêu biên chế).

chuyen-doi-so-thu-hut-dai-bang-03-1704252959.jpg
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH ITM Việt Nam, khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng)

Theo dự báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, số liệu về cung cầu nhân lực CNTT, công nghệ số Việt Nam vào năm 2025 là 1.601.967 nhân lực; năm 2030 là 2.718.751 nhân lực.

Vì vậy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao đáp ứng được về số lượng và tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.

Cùng với đó là tăng số lượng, chất lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin và các ngành liên quan; chuyển dịch từ “gia công” (thâm hụt lao động) sang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở phân khúc sản xuất hàm lượng công nghệ và giá trị cao (thâm hụt công nghệ và tri thức).

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Thị Nga cho rằng cần nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Nâng chất nguồn nhân lực tạo sức hút đầu tư

Thời gian gần đây, Việt Nam đã thu hút được một số tập đoàn công nghệ lớn đến mở nhà máy sản xuất công nghệ cao. Trong năm 2023, các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD.

Đặc biệt là trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD. Đây là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD.

Để cụ thể hóa tuyên bố chung và các kế hoạch hợp tác giữa hai bên cũng như chuẩn bị các nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong chuyến công du đến Mỹ từ ngày 17-23/9/2023, người đứng đầu Chính phủ đã dành nhiều thời gian làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Synopsys, Meta, Nvidia…

Gần 3 tháng sau, ông Jensen Huang, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia (tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD) đã đến Việt Nam.

Ông Jensen Huang khẳng định, Nvidia mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính, sản xuất các phần mềm của tương lai…, góp phần vào tương lai số hóa của Việt Nam.

Tiến sĩ Hùng Trần - một kiều bào sáng lập công ty công nghệ ở Mỹ cho biết, những người trẻ ở Thung lũng Silicon đều sẵn sàng chung tay đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ chất lượng cao, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội mà mối quan hệ Việt - Mỹ mang lại.

chuyen-doi-so-thu-hut-dai-bang-02-1704252814.jpg
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như người tiêu dùng trẻ, nguồn lao động dồi dào.

Trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào giữa tháng 12/2023, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam muốn đi nhanh phải 'đi tắt đón đầu', đó phải là khoa học công nghệ, là ngành bán dẫn. Ông mong các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các xưởng thiết kế, sản xuất, đóng gói và xuất khẩu.

Cạnh đó lãnh đạo Chính phủ cũng cam kết, Việt Nam phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Hiện nay Việt Nam đã có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đáp ứng yêu cầu đến năm 2030. Các chuyên gia nhận định rằng, với những nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ngành và sự liên kết giữa các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư "sạch" với hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sạch và tính liên kết với doanh nghiệp nội tốt hơn./.

Bình Nguyên