Kiểm soát chặt tàu cá, nâng cao nhận thức ngư dân cùng chung sức gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, gỡ được “thẻ vàng” hay không phụ thuộc lớn vào nhận thức của ngư dân. Huế là địa phương đang có những tín hiệu tích cực. Ngư dân tin tưởng vào chính sách của nhà nước, chấp hành nghiêm quy định về ranh giới đánh bắt, khai thác hải sản.
hue-go-the-vang-thuy-san-3-1747274755.jpg
Đến nay toàn thành phố Huế có 1.127 tàu cá đã được đăng ký và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để các cơ quan, đơn vị kiểm tra và giám sát. (Ảnh minh họa)

Ngư dân tuân thủ khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật

TP Huế có đường bờ biển dài hơn 120km, có tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000km2, có 5 cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô.

Đến nay toàn thành phố có 1.127 tàu cá đã được đăng ký và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để các cơ quan, đơn vị kiểm tra và giám sát. Trong đó, 437 tàu cá có chiều dài trên 15m, 148 tàu cá có chiều dài từ 12-15m và 542 tàu cá có chiều dài từ 6-12m. Số tàu cá xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát VMS là 436 chiếc, đạt tỷ lệ 100%.

Cũng như nhiều ngư dân khác, ông Nguyễn Văn Lãm (thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) trước mỗi chuyến ra khơi đều nộp đầy đủ sổ sách, giấy tờ khai thác và tuân thủ đúng quy định khi ra khơi tại Cảng cá Thuận An và không quên kiểm tra lại thiết bị giám sát hải trình (VMS) trên tàu.

Ông Lãm chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng, chúng tôi hiểu, tự giác viết bản cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển. Đồng thời, thường xuyên nhận được sự động viên, thăm hỏi, tặng quà, tặng cờ Tổ quốc, qua đó tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục vươn khơi, bám biển, chung tay giữ vững chủ quyền biển, đảo”.

hue-go-the-vang-thuy-san-1-1747274736.jpg
Lực lượng Biên phòng kiểm tra các thủ tục xuất bến với tàu đánh bắt xa bờ. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Nguyễn Quang Dân cho biết, toàn xã có 48 tàu đánh bắt xa bờ. Ngư dân duy trì các tổ đội sản xuất, đánh bắt trên biển, đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang, thiết bị hiện đại, tập trung khai thác các loại hải sản có giá trị. Xã luôn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về IUU, đồng thời lồng ghép các hoạt động tặng tủ thuốc, ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc cho ngư dân… 

Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân trong khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm IUU, góp phần làm cơ sở để Ủy ban châu Âu (EU) xem xét, gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Thiếu tá Trần Công Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An thông tin: Đơn vị quản lý biên giới bờ biển dài 17,5km và có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới phụ trách. Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác nắm, đánh giá thực trạng vi phạm về IUU, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng viết cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước trong quá trình khai thác thủy, hải sản trên biển. 

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...

Huy động cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, gỡ được “thẻ vàng” hay không phụ thuộc lớn vào nhận thức của ngư dân. Huế là địa phương đang có những tín hiệu tích cực. Ngư dân tin tưởng vào chính sách của nhà nước, chấp hành nghiêm quy định về ranh giới đánh bắt, khai thác hải sản. Từ đầu năm 2025 đến nay, tại Huế chưa ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm về khai thác IUU bị xử phạt hành chính.

Ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế cho biết, hàng tuần, Sở phát thông báo danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đến các đơn vị có liên quan và lên cơ sở dữ liệu trên hệ thống VMS để các cơ quan thực thi pháp luật biết, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Hàng ngày, tổ chức trực 24/7 trên hệ thống VMS để theo dõi, giám sát, phát hiện và thông báo, kêu gọi kịp thời các tàu cá có nguy cơ vi phạm quy định về VMS (vượt ranh giới, mất kết nối trên biển trên 6 giờ không báo cáo vị trí, mất kết nối trên biển trên 10 ngày mà không về bờ)… Thành phố cũng đã triển khai Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đối với 100% tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng.

“Hiện nay, 100% tàu cá xuất bến, nhập bến được kiểm tra, giám sát sản lượng đúng quy định; thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác - nhật ký chuyển tải khi qua cảng; đặc biệt, UBND thành phố đang chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng tàu cá vào bốc dỡ hàng hóa tại cảng cá tư nhân, bến cá chưa được công bố chỉ định”, ông Đức nhấn mạnh.

hue-go-the-vang-thuy-san-4-1747274814.jpg
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên tuyên truyền ngư dân chống khai thác IUU. (Ảnh VOV)

Trong khi đó, đối với các tàu cá không có đăng kiểm, hết hạn giấy phép, chưa đăng ký… thì các lực lượng thực thi ngăn chặn và kiên quyết không cho ra biển hoạt động theo quy định. Tính đến hết tháng 2/2025, qua rà soát thực tế, có 109 tàu cá ở TP Huế hết hạn đăng kiểm, 117 tàu hết hạn giấy phép khai thác, 65 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m chưa được đăng ký do các tàu này không có giấy tờ, không đăng kiểm được.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn chủ tàu liên hệ cơ sở đăng kiểm ngoại tỉnh, thành phố để thực hiện do địa phương không có cơ sở đăng kiểm; đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện ven biển chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường tổ chức đến nhà từng chủ tàu đôn đốc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. 

Phó Chủ tịch UBND TP Huế Hoàng Hải Minh khẳng định, thời gian qua, thành phố luôn tập trung và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. Thống nhất nhận thức, hành động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU; coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện.

“Hiện thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU. Mặt khác, ngư dân cần thực hiện khai thác đi đôi với bảo tồn nguồn lợi, gìn giữ sinh kế lâu dài, qua đó đảm bảo phát triển ngành thủy sản bền vững”, ông Minh nói./.

Bình Nguyên