Khôi phục đà tăng trưởng doanh nghiệp từ môi trường kinh doanh và chuyển đổi xanh

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cần có các chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, những chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng tạo đà phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Hai tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp có sự phục hồi khi đơn hàng dồi dào và niềm tin về kết quả kinh doanh đã trở lại. Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tạo ra sự bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp cần có thêm trợ lực từ phía các cơ quan quản lý.

ho-tro-doanh-nghiep-01-1709539806.jpg
Cần có nhiều giải pháp trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.(Ảnh minh họa)

Cải thiện môi trường đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo báo cáo triển vọng doanh nghiệp 2024 - góc nhìn từ doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, đa số các kiến nghị tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tiếp cận vốn vay, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng phải làm mạnh hơn nữa ở các cấp địa phương. Bởi, nhiều hoạt động hành chính chưa hiệu quả... khiến doanh nghiệp mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển như các thủ tục liên quan đến đất đai, hạ tầng…

Để tạo trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương cho biết năm nay, Bộ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý là một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh sẽ góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp năm nay.

ho-tro-doanh-nghiep-03-1709539786.jpg
Các chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất đang được triển khai. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ôtô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Mặt khác, Bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có. Từ đó, khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm.

Còn các chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng, để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao. Cùng đó, có các chính sách giúp doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất.

Xu hướng xanh hóa là chiến lược bền vững của doanh nghiệp

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng: Kinh tế xanh, sạch đang là xu hướng mà nhiều thị trường theo đuổi, trong đó có những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe hơn, không chỉ đòi hỏi của cơ quan quản lý, mà còn là lựa chọn của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng ở các thị trường này.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu muốn kinh doanh lâu dài với khách hàng ở đây đều sẽ phải quan tâm tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất để tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước và đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng. Với phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc đáp ứng các tiêu chuẩn đang có đã là vất vả, thì các tiêu chuẩn xanh mới khó khăn hơn, tất nhiên sẽ là những thách thức không nhỏ, cả về vốn liếng, kinh nghiệm và công nghệ.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xác định đây là những yêu cầu không thể tránh ở thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng là chiến lược phát triển lâu dài, hơn nữa ai đi trước có thể sẽ có lợi thế lớn hơn để chiếm lĩnh thị phần “hàng hóa xanh”. Đây có thể là sức ép hợp lý để doanh nghiệp chuyển đổi, nắm bắt cơ hội. Cũng xin lưu ý thêm rằng không chỉ ở thị trường xuất khẩu, sản xuất kinh doanh xanh và bền vững cũng đang dần trở thành các tiêu chuẩn pháp lý ở Việt Nam.

Với các quy định như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các tiêu chuẩn cao về môi trường đối với sản xuất và phát thải, các yêu cầu thống kê phát thải CO2 trong một số ngành. Do đó, việc thực hiện tiêu chuẩn xanh với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là “một công đôi việc”, vừa để đáp ứng quy định trong nước, vừa để xuất khẩu bền vững ở thị trường nước ngoài.

ho-tro-doanh-nghiep-04-1709539879.jpg
Số hóa và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phương Hoàng Kim – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, năm 2021, tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu đầy tham vọng, cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, đặc biệt là quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các giải pháp giảm phát thải từ chính cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất - hiện đang là các nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu hiện nay.

Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi xanh, ngành Công Thương tập trung hỗ trợ, thúc đẩy 3 nhóm giải pháp gồm: Áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính do giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch – Nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính hiện nay;

Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen,... và để hỗ trợ thực hiện các giải pháp này, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các loại hình năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ chất thải...;

Áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp (giải pháp này đã được thể hiện tại Chiến lược sản xuất sạch hơn).

Ngoài 3 nhóm giải pháp kỹ thuật trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình, theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi, hay các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025... là những cơ chế thị trường sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

“Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được Chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất”, ông Phương Hoàng Kim nhận định và cho biết, thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp để chuyển đổi xanh một cách hiệu quả và thành công./.

Trọng Bình