Hội nghị COP27: Liên hợp quốc công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi

Mới đây, Liên hợp quốc đã công bố khởi động Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI) trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Hội nghị COP27 đang diễn ra từ ngày 6 - 18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở Biển Đỏ của Ai Cập.

Sáng kiến này có mục đích mở rộng đáng kể sự tham gia của châu Phi vào các thị trường carbon tự nguyện và được đưa ra bởi một ủy ban chỉ đạo quy tụ sự tham gia của 13 thành viên bao gồm các nhà lãnh đạo châu Phi, các giám đốc điều hành và các chuyên gia tín dụng carbon.

Sáng kiến ACMI được triển khai với sự phối hợp với Liên minh Năng lượng Toàn cầu cho Con người và Hành tinh (GEAPP), tổ chức Năng lượng Bền vững cho Tất cả (SEforALL) và Ủy ban kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc và sự hỗ trợ của hai nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc là Mahmoud Mohieldin và Nigel Topping.

khi-hau-1667962803.png
Biến đổi khí hậu khiến thiên nhiên, môi trường sống thay đổi. Ảnh minh hoạ (Ảnh: hus.vnu)

ACMI đã công bố một tham vọng táo bạo đối với lục địa châu Phi nhằm đạt mục tiêu sản xuất hàng năm 300 triệu tín chỉ carbon vào năm 2030. Mức sản xuất này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 6 tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho khoảng 30 triệu người.

Được biết, nhiều quốc gia châu Phi bao gồm: Kenya, Malawi, Gabon, Nigeria và Togo đã chia sẻ cam kết hợp tác với Sáng kiến ACMI để mở rộng quy mô sản xuất tín chỉ carbon thông qua các kế hoạch kích hoạt thị trường carbon tự nguyện.

Trước đó, ngày 7/11, Tổng thống Senegal đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Macky Sall, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ tất cả cam kết chống biến đổi khí hậu, ông cho rằng cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm là không đủ và cần nâng lên 200 tỷ USD.

Ông khẳng định, các nước châu Phi luôn ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh công bằng, cho dù mức "đóng góp" của châu lục trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu rất thấp.

Chủ tịch AU cho biết thêm, châu Phi mong muốn phối hợp và hợp tác với tất cả đối tác để đảm bảo COP27 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Lượng phát thải ở châu Phi chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu, nhưng đây lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Cũng tại COP27, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và những cuộc khủng hoảng mà nó gây ra từ lâu đã dẫn tới tình trạng khẩn cấp y tế. WHO và các nước đối tác đã lên tiếng báo động về tình trạng này.

Ông Kluge kêu gọi những nước tham dự COP27 hành động nhanh chóng hơn và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái Đất nói chung.

Hoàng Hà (t/h)