Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Đầu tư xây dựng - dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam sơ kết tình hình hoạt động 5 tháng đầu năm

Sáng ngày 18/5/2025, tại trụ sở số 120 Võ Chí Công, Hà Nội, Hiệp hội Đầu tư xây dựng - dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết tình hình hoạt động và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành.
anh-uvbch-du-hop-truc-tiep-1-1747552382.jpg
Các ông/bà Uỷ viên Ban Chấp hành tham dự Hội nghị ngày 18/5/2025

Dự Hội nghị theo thông báo triệu tập có: Ông Nguyễn Văn Duẩn - Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch được Ban Chấp hành phân công điều hành, ông Lê Hữu Quế - Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Uỷ viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Sơn - Uỷ viên Ban Thường vụ, ông Vũ Đình Tiến - Uỷ viên Ban Thường vụ và các ông/bà Uỷ viên Ban Chấp hành.

Ông Nguyễn Văn Duẩn - Phó Chủ tịch chủ trì hội nghị, thông qua chương trình gồm các nội dung chính: (i) Báo cáo tình hình hoạt động 5 tháng đầu năm 2025 của Hiệp hội và một số tổ chức pháp nhân do Hiệp hội thành lập; (ii) Ban Chấp hành xem xét, cho ý kiến đối với Đề án xin thành lập Quỹ Hỗ trợ nông nghiệp, môi trường Việt Nam; (iii) Xem xét hoạt động Văn phòng đại diện miền Nam; (iv) Rà soát tổ chức bộ máy của Hiệp hội, gồm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các đơn vị trực thuộc; (v) Nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh - cơ quan ngôn luận và truyền thông của Hiệp hội, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự.

cac-thanh-vien-bch-hop-truc-tuyen-1747552391.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến
uvbch-hop-truc-tuyen-1747552396.jpg
 

Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động của Hiệp hội được duy trì thường xuyên, tập trung vào các hoạt động tham gia ý kiến đối với các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền gửi lấy ý kiến, hoặc tham dự trực tiếp theo giấy mời; tham dự các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm quốc tế liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại; phổ biến cơ chế, chính sách mới để tuyên truyền phổ biến đến các hội viên; hỗ trợ kết nối giao thương sản phẩm, dịch vụ, hợp tác sản xuất kinh doanh.

Quan tâm đôn đốc tổ chức, pháp nhân, hội viên thu nộp hội phí theo Điều lệ, Quy chế Hiệp hội; thường xuyên cung cấp các thông tin về kết nối giao thương, cơ hội hợp tác, chính sách mới đến các hội viên trên nhóm zalo của Hiệp hội. Kịp thời báo cáo hoạt động theo quy định gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương.

Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động của Hiệp hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác thu nộp hội phí chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác báo cáo hoạt động của các tổ chức, pháp nhân trực thuộc thực hiện chậm, phải đôn đốc nhiều lần. Một số ông/bà Uỷ viên Ban Chấp hành ít dành thời gian cho hoạt động của Hiệp hội, thường xuyên vắng mặt hoặc rất ít có ý kiến tham gia cho các hoạt động chung của Hiệp hội.

Nhiều ý kiến phát biểu đề nghị cần rà soát tổ chức bộ máy Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các tổ chức, pháp nhân do Hiệp hội thành lập; nếu không có điều kiện tham gia hoạt động thường xuyên của Hiệp hội cần vận động rút tên Uỷ viên Ban Chấp hành để có thể bổ sung các thành viên mới có điều kiện tham gia hoạt động Hiệp hội tốt hơn. Đối với các tổ chức, pháp nhân do Hiệp hội thành lập cần giao Ban kiểm tra có kế hoạch kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, đóng góp hội phí,... nếu hoạt động không hiệu quả thì chấm dứt hoạt động.

Về hoạt động của Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành cơ bản thống nhất cần thiết duy trì hoạt động nhưng cần xây dựng Quy chế hoạt động chặt chẽ ban hành trước khi bàn giao con dấu cho người phụ trách Văn phòng đại diện. Quy chế cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Văn phòng đại diện, người được giao phụ trách Văn phòng, cũng như cơ chế tài chính đối với Văn phòng. Giao nhân sự phụ trách Văn phòng đại diện làm việc với cơ quan có liên quan xin cấp bản sao hoặc cấp lại Giấy đăng ký mẫu dấu của Văn phòng. 

Sau khi nghe dự thảo Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ nông nghiệp, môi trường Việt Nam, một số đại biểu đã tham gia ý kiến trực tiếp tại Hội nghị tập trung vào một số nội dung: (i) Làm rõ về sự cần thiết thành lập Quỹ; (ii) Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ; (iii) Làm rõ đối tượng phục vụ của Quỹ; (iv) Mối quan hệ giữa Quỹ với Hiệp hội, với các tổ chức, pháp nhân thuộc Hiệp hội và hội viên; (v) Tổ chức bộ máy của Quỹ phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát của Hiệp hội đối với hoạt động của Quỹ. Các Uỷ viên Ban Chấp hành nghiên cứu và có ý kiến tham gia gửi Văn phòng Hiệp hội tổng hợp chậm nhất ngày 21/5/2025.

Đối với hoạt động của Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh, nhiều ý kiến ghi nhận và biểu dương hoạt động của Tạp chí trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực cả tạp chí điện tử và tạp chí in; tạp chí cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy để phát triển, gồm vị trí Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, Tổng thư ký toà soạn. Ban Chấp hành ghi nhận sự thận trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Tạp chí trong việc xin ý kiến Ban Chấp hành thực hiện trình tự thủ tục kiện toàn chức danh lãnh đạo Tạp chí, giới thiệu nhân sự mới đối với chức danh Tổng Thư ký toà soạn, tiếp nhận, điều động nhân sự cấp Trưởng ban. Ban Chấp hành giao Ban Thường vụ, Ban biên tập Tạp chí chủ động triển khai công tác cán bộ của Tạp chí đảm bảo đúng các quy định hiện hành và thực hiện thận trọng đối với các nhân sự mới cần có thời gian thử thách./.

PV