Giáo dục nghề nghiệp: Yếu tố tạo ra đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk

Phát triển ngành nghề và tạo ra việc làm mới cho lực lượng lao động là bài toán nhiều thử thách của Đắk Lắk trong những năm qua, đòi hỏi tỉnh phải đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Dân số Đắk Lắk hiện nay có hơn 1,9 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động ở các lứa tuổi vào khoảng 1,2 triệu, chiếm khoảng 60% tổng dân số. Đắk Lắk cũng là tỉnh có lực lượng lao động dồi dào nhất ở khu vực Tây Nguyên. Bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 người lao động. Trong năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.170 người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,4%.

sinh-vien-truong-cao-dang-nghe-dak-lak-thuc-hanh-nghe-1711725454.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk thực hành nghề

Về khía cạnh việc làm, Đắk Lắk có trên 12.600 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô lao động ít. So với nông nghiệp thì các ngành nghề phi nông nghiệp chưa phát triển mạnh đủ để hình thành các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp lớn. Số lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn khoảng 112.000 – 120.000 người. Lao động cư trú ở khu vực nông thôn chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp hoặc làm việc ngoài tỉnh. Theo thống kê, hằng năm có trên 15.000 lao động của tỉnh đi làm việc ở các địa phương khác.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, hiện nay Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có giải quyết việc làm tại tỉnh, đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có thể nói, công tác thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề để tạo ra việc làm mới giữ chân lao động tại tỉnh nhà vẫn còn là một bài toán nan giải.

gdnn-can-dam-bao-cho-nguoi-hoc-co-day-du-cac-ky-nang-chuyen-mon-thich-ung-voi-yeu-cau-cua-thi-truong-lao-dong-1711725420.jpg
GDNN cần đảm bảo cho người học có đầy đủ các kỹ năng chuyên môn thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động

Trước tình hình thực tế này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các sở, ban, ngành cung các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành các chương trình và kế hoạch để nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết trước mắt Sở đã có những giải pháp cụ thể đối với các cơ sở GDNN như đổi mới nội dung công tác hướng nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động và đầu tư nâng cao năng lực. Ngoài ra, tổ chức các hội giảng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và giảng viên trong các cơ sở GDNN. Song song đó là đẩy mạnh các hội thi kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN, tiến tới tổ chức thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

ong-nguyen-quang-thuan-pho-giam-doc-so-ld-tbxh-tinh-dak-lak-1711725501.jpg
Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk

Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến trong công tác GDNN, đặc biệt là chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Mục tiêu là tạo về quy mô, chất lượng và hiệu quả của công tác GDNN tại địa phương. “Phương châm là đảm bảo cho người học có đầy đủ các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động”, ông Thuân nhấn mạnh.

Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh tăng cường năng lực ở 3 hướng sau để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Bao gồm: năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề, năng lực quản lý cơ sở GDNN và năng lực giảng dạy GDNN của đội ngũ giáo viên. Chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo theo hướng năng lực thực hiện; tiếp tục triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao; tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN, khuyến khích việc liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề.

to-chuc-cac-hoi-giang-thuong-xuyen-cho-doi-ngu-giao-vien-va-giang-vien-la-chu-truong-moi-trong-cong-tac-gdnn-cua-dak-lak-1711725530.jpg
Tổ chức các hội giảng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên và giảng viên là chủ trương mới trong công tác GDNN của Đắk Lắk

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk còn cho biết việc chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp tăng cường hiệu quả cũng như cơ hội tiếp cận GDNN. Từ đó, tạo ra sự đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Kiến Giang