Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí mê tan. Khi rác thải hữu cơ được phân loại và xử lý đúng cách, nó có thể được chuyển hóa thông qua quá trình phân hủy kị khí để tạo ra biogas, một nguồn năng lượng tái tạo. Việc này không chỉ giúp giảm lượng rác thải đưa vào bãi rác mà còn giảm lượng khí mê tan phát ra từ các bãi rác, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Đến nay, phân loại rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Trước đây, mỗi tuần đình Bà Bùi Thị Hằng (xã trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đều thải rác ra môi trường 3 lần. Sau khi áp dụng mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn giờ mỗi tuần gia đình bà chỉ đổ rác một lần. Nhờ phân loại rác tại nguồn, các loại rác hữu cơ như thực phẩm thừa, gốc rau, lá cây, được thu gom và ủ phân bón cho cây trồng, giúp gia đình tiết kiệm chi phí, góp phần giảm gánh nặng về rác thải cho các khu gom rác tập trung .
Bà Bùi Thị Hằng chia sẻ: “Từ khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, các rác thừa từ đồ ăn, lá cây, gốc rau.. đều được thu gom vào hố rác dùng chế phẩm vi sinh để ủ. Sau một thời gian, rác hữu cơ đó, tôi đem bón cho cây, cho hoa rất tốt, giúp gia đình tiết kiệm một khoản không phải mua phân bón hóa học. Từ khi triển khai mô hình này, chúng tôi không còn vứt rác ra đường, sông. Đường làng, ngõ xóm giờ sạch đẹp”.
Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý mà còn góp phần giảm phát thải khí mê tan. Bởi chất thải rắn là nguồn phát thải chủ yếu của khí mê tan như thực phẩm, đồ ăn thừa, phụ phẩm từ thực vật, giấy của các bãi rác lộ thiên.
Đến nay tỉnh Nam Định có 195/226 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định tại các triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình (hố rác hữu cơ di động) đã giảm thiểu được khoảng 30 - 40% lượng rác phải đem đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung. Việc giảm thiểu rác hữu cơ tại nguồn đã góp phần giảm áp lực xử lý cũng như giảm phát thải khí mê tan tại các bãi rác lộ thiên.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai việc phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên các bãi rác. Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng: Người dân tại nhiều địa phương đã dần ý thức hơn và hình thành thói quen phân loại rác ngay từ gia đình mình. Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc quản lý và tuyên truyền, nhằm giúp các địa phương và người dân hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động này.
Tuy nhiên, không phải mọi nơi đều đạt được kết quả như kỳ vọng. Việc phân loại rác tại nguồn vẫn gặp phải những khó khăn đáng kể, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ trong sự phối hợp của các cấp, các ngành. Một số vấn đề còn tồn động bao gồm người dân chưa thực sự nhất quán trong cách thực hiện và thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ cơ sở hạ tầng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV cũng cho rằng: Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm và mang tính mô hình. Chưa có một quy trình đồng bộ trong phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Ví dụ, dù rác thải tại nguồn đã được phân loại tốt nhờ ý thức người dân, nhưng khi đến giai đoạn vận chuyển, toàn bộ rác lại được gom chung vào xe. Hậu quả là quá trình xử lý cũng không được thực hiện riêng biệt do thiếu công nghệ hiện đại, trong khi phần lớn rác thải vẫn chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Những hạn chế này không chỉ làm giảm hiệu quả của việc phân loại, mà còn gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường dài hạn. Ngay cả các đô thị lớn nơi có hạ tầng tiên tiến, việc phân loại - xử lý rác vẫn chưa đạt được mức độ tối ưu. Để vượt qua những thách thức này, sự kết hợp từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng là vô cùng cần thiết.
TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn thuộc Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau năm 2025, phân loại rác thải rắn sinh hoạt sẽ là yêu cầu bắt buộc theo Luật bảo vệ môi trường. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sẽ chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt.
Do vậy, việc áp dụng bắt buộc hoạt động thu gom và phân loại rác thải từ nguồn sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải khí mê tan nói riêng, cũng như giảm phát thải khí nhà kính nói chung trong lĩnh vực quản lý chất thải.Tiếp cục tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc phân loại chất thải. Đồng thời, các cấp chính quyền cần ban hành hướng dẫn cụ thể, tổ chức sáng kiến mô hình thí điểm tại địa phương để nhân rộng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại, xây dựng các nhà máy tái chế đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Quy định này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể lượng phát thải khí mê-tan - một trong những khí nhà kính gây tác động mạnh đến biến đổi khí hậu.
Theo Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng phát thải khí mê-tan so với mức năm 2020, bảo đảm tổng lượng phát thải không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2 tương đương.
Trong đó, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải nhằm kiểm soát không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2 tương đương. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng và áp dụng các quy trình đồng bộ trong thu gom, vận chuyển, phân loại, tái chế và xử lý chất thải. Đặc biệt, cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng trang thiết bị đáp ứng các yêu cầu từ phân loại, thu gom đến xử lý chất thải phù hợp với cả khu vực đô thị và nông thôn.
Mỗi địa phương cũng cần có cách tiếp cận riêng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên đặc thù. Khi mỗi gia đình hiểu và thực hiện tốt mô hình này, hành vi tích cực sẽ lan tỏa, tạo nền tảng cho sự thay đổi trong thói quen, phong cách sống./.