Giá tiêu hôm nay 20/7: Thị trường trầm lắng, giá thấp nhất ở mức 66.500 đồng/kg

Theo ghi nhận thông tin tiêu dùng xanh hôm nay (ngày 20/7), giá tiêu trong nước được thu mua trong khoảng 66.500 - 69.500 đồng/kg.

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tiếp tục duy trì ổn định. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 66.500 – 69.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu tại Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 66.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng tàu, giá tiêu đứng ở mức 69.500 đồng/kg – mức cao nhất thị trường.

Giá tiêu hôm nay đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước đang trong giai đoạn trầm lắng trong bối cảnh mất giá chung của hàng hóa thế giới.

3945-tieu-xanh-1-1658276902.jpg
Giá tiêu hôm nay 20/7: Thị trường trầm lắng, thấp nhất 66.500 đồng/kg. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tuần trước (11/7 - 15/7) thị trường cho thấy chiều hướng tiêu cực khi không có quốc gia sản xuất nào ghi nhận giá tăng. Hiện lạm phát đang phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Sri Lanka, Lebanon, Suriname và Zambia hiện đã vỡ nợ. Belarus đang mấp mé bên bờ vực, trong khi ít nhất một chục nước khác đang trong vùng nguy hiểm.

Ở khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ giảm trong 2 tuần qua do đồng Rupee Ấn Độ tiếp tục giảm 1% so với USD. Trong khi đó giá tiêu Sri Lanka ổn định sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Tại Đông Nam Á, giá tiêu Indonesia tuần qua ổn định và không thay đổi khi thị trường ít giao dịch sau lễ Eid al-Adha. Giá tiêu Malaysia giao dịch thị trường trong nước và quốc tế ổn định, không thay đổi.

Ở Việt Nam, chỉ có giá tiêu đen nội địa ghi nhận sự sụt giảm, các loại còn lại ổn định và không thay đổi.

Hiện nay, chính sách xúc tiến thương mại nông sản chính là “cầu nối” doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa nông dân với thị trường. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, xuất khẩu nông sản đang chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Thông tin trên Báo Đắk Lắk, tham dự Hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” vừa được Sở Công thương Đắk Lắk phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ các ngành hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề cấp bách, “sống còn” và tiên quyết của ngành nông nghiệp.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc thương mại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk chia sẻ, thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử như Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các chính sách quản lý nông sản, rào cản kỹ thuật với nông sản thực phẩm của thị trường này hiện đã khắt khe hơn.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn, tuân thủ quy trình theo chuẩn quốc tế thì không chỉ yêu cầu nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động, phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng "chất" cho sản phẩm hàng hóa của mình.

Anh Vân (t/h)