Đột phá về thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần III, đa số các chuyên gia nhận định, năm 2022 là một năm vô vàn khó khăn đối với thị trường bất động sản, thậm chí là khó khăn hơn nhiều so với hai năm chịu tác động bới đại dịch Covid-19. Trong đó, có hai vướng mắc chính đang đẩy các doanh nghiệp địa ốc rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” là tắc nghẽn dòng vốn và pháp lý chồng chéo, nhiều bất cập.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, hiện, 65% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ những vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% từ nguồn vốn (cũng chủ yếu do chính sách tài chính) và 15% từ các yếu tố thị trường - doanh nghiệp.

Còn Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nêu ra con số gần tương tự khi có tới 70% khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý. Khi pháp lý khó khăn, dòng vốn cũng sẽ ách tắc. Như tình trạng hiện nay, doanh nghiệp bị tắc cả đầu vào lẫn đầu ra.

Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay, những khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay được gói gọi trong bốn chữ “tài chính, pháp lý”. Cụ thể, có đến 65% khó khăn về mặt pháp lý và 20% liên quan đến nguồn vốn. Song, kể cả 20% khó khăn liên quan đến dòng vốn cũng bắt nguồn từ pháp lý. Nói cách khác, những vướng mắc về pháp lý là nguồn cơn dẫn đến nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng”.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế. Bởi chỉ có đột phá thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Dư địa về cải cách thể chế, về pháp lý là vô tận, cho nên đây là vấn đề lớn nhất cần có sự quan tâm sát sao và kịp thời. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là rất lớn để có thể tiếp sức sức cho các doanh nghiệp.

bds-2-1678717833.jpg
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đột phá về thể chế sẽ dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Ảnh minh họa

Về câu chuyện nguồn vốn, theo TS. Lộc, dường như trong những năm qua, mọi cánh cửa về vốn đều mở ra, trong khi hiện tại, tất cả đang gần như đóng lại. Từ đó, ông Lộc đề xuất một số giải pháp: Về giải pháp dài hạn, sẽ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các công tác cải cách thể chế. Còn về giải pháp ngắn hạn, cần quan tâm sát sao hơn nữa và đồng bộ trong hành động thực hiện.

Những năm qua, dòng tiền đã quá dễ dãi khi dễ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Chúng ta đã hơi coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý. Cho nên đây là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu.

Riêng về pháp lý, không có chuyện thương lượng, mà phải đảm bảo tính chắc chắn. Tôi đề nghị rà soát toàn bộ các dự án đang thực hiện hiện nay để tìm ra được những dự án tốt. Rất nhiều dự án bị đình trệ hiện nay là do sự chậm trễ của các chính quyền trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

"Song song với đó, cần thúc đẩy các ngân hàng thảo luận giãn nợ. Nếu có vướng mắc với đơn vị thầu, thi công thì khuyến khích mua lại dự án đảm bảo pháp lý, nhưng phải đi kèm điều kiện các nhà thầu có đủ điều kiện và mong muốn hợp tác" – ông Lộc nhấn mạnh.

Về giải pháp với doanh nghiệp bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 - 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuê tài chính…). Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết…

Ngoài ra, quan tâm quản lý rủi ro tài chính (lãi suất, tỷ giá, dòng tiền…). Tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan. Vững tâm vượt khó, nền tảng tương lai!

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nhà nước cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa công bố, đặc biệt là việc quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.

"Chúng tôi đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp... Nếu được giải tỏa, chúng ta sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định", ông Đính cho hay.

Ngoài ra, ông Đính cho rằng, đối với gói tín dụng trên cần phải có thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là việc trọng tâm cần thực thi, với cơ quan chủ chốt là Bộ Tài chính. Theo đó, nhà nước cần sớm ban hành các quy định để tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Hiện nay Chính phủ đang vận động nhiều doanh nghiệp đăng ký, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản vướng mắc trong các quy định, đặc biệt là các quy định pháp luật. Để thúc đẩy được loại hình này, rất cần những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ, nhất là về thủ tục hành chính pháp lý.

Cũng theo ông Đính, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nói riêng cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của mình; đồng thời, cấu trúc lại dòng sản phẩm phù hợp để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền giúp doanh nghiệp khởi động trở lại.

Đông Nghi