Điện ảnh và phát triển kinh tế: Từ lý luận đến thực tiễn tại Hà Giang

Phát triển kinh tế qua du lịch điện ảnh có thể tạo ra một số tác động kinh tế trực tiếp và gián tiếp đến tỉnh Hà Giang- một tỉnh có nhiều lợi thế rất lớn về vị trí, di sản, đa dạng văn hoá.

1/ Cơ sở lý luận về Điện ảnh và Du lịch

Tác động của điện ảnh tới phát triển du lịch, từ đó đóng góp cho kinh tế địa phương, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm, và tổng hợp thành ba nhóm loại hình lớn sau: (i) Phim tác động du lịch trong cảnh thực tế: là những địa điểm của môi trường thực tế mà khách du lịch quyết định đến thăm sau khi đã nhìn thấy chúng, hoặc đang nghĩ đến việc đã xem chúng trên màn ảnh Ruiz (2015) (ii) Tạo ra bối cảnh phim: là những địa điểm nhân tạo, được tạo ra đặc biệt để có thể quay một bộ phim hoặc với mục đích du lịch, như một địa điểm hội chợ điện ảnh.

Một loại hình khác được xem xét ở đây là các buổi chiếu ra mắt phim hoặc liên hoan điện ảnh, như Beeton (2005) và Roesch (2009) nhận ra, có thể gây ra sự gia tăng khách du lịch và khách tham quan tại điểm đến.(iii) Địa điểm cho ngành điện ảnh giống như du lịch kinh doanh, được đưa ra khi một điểm đến đạt được thỏa thuận với nhà sản xuất để quay một bộ phim, để tất cả những người lao động của nhà sản xuất (diễn viên, người viết kịch bản, đạo diễn, biên đạo nghệ thuật), trở thành khách du lịch của chính điểm đến. Tại Việt Nam, vấn đề phát triển ngành công nghiệp điện ảnh để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia đã được một vài nhà nghiên cứu quan tâm, như TS Nguyễn Thị Thuý Ngân (2019) đã khẳng định, Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chiến lược quảng bá du lịch thông qua nhiều hình thức khác nhau và bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Một trong số những hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến hiệu quả đó chính là ứng dụng công cụ điện ảnh. Điều này đã được minh chứng thực tế bằng sự gắn kết giữa điểm với các nhà sản xuất phim thông qua dự án hợp làm phim trong và ngoài nước.Tác giả Hà Kim Hồng và Nguyễn Thuý Vy (2017) đưa ra một số kiến nghị như phát triển cơ sở hạ tầng phụ trợ, thu hút và phát triển công nghiệp điện ảnh trong nước để hợp tác với các nhà sản xuất phim. Cụ thể như để thu hút các nhà làm phim trong và ngoài nước, các cơ quan chức năng thường xuyên tham dự các triển lãm phim, và mang ấn phẩm phim tới triển lãm du lịch; tranh thủ các cơ hội để giới thiệu và tạo quan hệ tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế; thu hút liên doanh liên kết quốc tế; tạo thuận lợi cho các đoàn làm phim liên kết làm phim tại Việt Nam; tổ chức khảo sát các địa điểm có tiềm năng lớn đối với phim trường và lập thành danh mục theo từng thế mạnh của các địa điểm để thuận tiện trong việc quảng bá tới các hãng phim truyền hình khi có điều kiện.

Hầu hết các nghiên cứu trước đã đưa ra góc nhìn vĩ mô về phim, du lịch và phát triển hình ảnh quốc gia. Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích lợi thế của địa phương trong việc chủ động thu hút đầu tư từ ngành công nghiệp sáng tạo nói chung, và ngành điện ảnh nói riêng. Đặc biệt, Hà Giang là một tỉnh biên giới phía Bắc, có lợi thế rất lớn về vị trí, di sản, đa dạng văn hoá, là địa phương. Do đó, phát triển kinh tế qua du lịch điện ảnh có thể tạo ra một số tác động kinh tế trực tiếp và gián tiếp như (i) để cải thiện nguồn “cung” du lịch cho địa phương (ii) để bảo tồn văn hóa địa phương; (iii) để cải thiện hạnh phúc của công dân; (iv) để tăng sự gắn kết xã hội; và (v) đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

2/ Điện ảnh và Kinh tế

Điện ảnh là một trong những ngành kinh tế sáng tạo (UNCTAD,2004, thành lập chương trình về Kinh tế sáng tạo). Ngành công nghiệp này thường được “kiểm đếm” bằng phần trăm đóng góp cho GDP cả nước, số lượng việc làm và các tác phẩm được giải điện ảnh quốc tế. Tuy nhiên, khía cạnh kinh tế của điện ảnh còn lan toả sang liên ngành và ảnh hưởng gián tiếp đến các ngành kinh tế liên quan mà ít được nhắc đến.

Những nghiên cứu quốc tế cho thấy, khía cạnh kinh tế của hiệu ứng du lịch trong phim bao gồm việc tăng hoặc giảm chi phí đất đai và nhà ở, các phản ứng kinh doanh không đủ để tối đa hóa lợi ích kinh tế, và sự thay thế của thị trường du lịch hiện tại và thay thế bằng một thị trường khác và ít mong muốn hơn (Mordue, 2001). Ví dụ, Beeton (2001), dựa trên nghiên cứu về ngôi làng bên bờ biển của Barwon Heads ở Victoria, Úc, nơi quay bộ phim truyền hình Sea Change (Sự thay đổi của biển), đã phát hiện ra rằng du lịch điện ảnh đã thay đổi số lượng du khách hiện có bằng cách tạo ra một và phong cách du lịch xâm nhập đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm kỳ nghỉ truyền thống đã có từ trước.

Với một ví dụ khác, tập trung vào tác động của chương trình truyền hình dành cho trẻ em nổi tiếng Balamory của kênh BBC (Anh Quốc) được quay tại Tobermory ở Scotland, nhà nghiên cứu Connell (2005) cho thấy rằng do thiếu sự tham vấn với các bên liên quan du lịch, bao gồm cả địa phương cộng đồng và các tổ chức du lịch, không có sự chuẩn bị trước cũng như không sẵn sàng cho sự gia tăng đột ngột và không có kế hoạch của khách du lịch về nhu cầu du lịch xem phim đến địa điểm đó. Tương tự như phát hiện của nghiên cứu Beeton (2001), cộng đồng doanh nghiệp địa phương ở Tobermory nhận thấy du lịch xem phim là hình thức du lịch ít được ưa chuộng hơn; Tobermory trước đây được coi là một điểm đến du lịch xanh dựa trên sự hẻo lánh và nông thôn của nó, nhưng sau khi chương trình truyền hình được quay, nó đã trở thành một loại điểm đến du lịch đại chúng và là nơi “phải đến” cho các gia đình có con nhỏ.

Một ví dụ điển hình khác, bộ phim Chúa tể những chiếc Nhẫn tạo ra nguồn thu cho New Zealand- đất nước được quay phim, cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận của nhà sản xuất Holywood và nước Mỹ nhận được. Tạp chí Forbes (2012) đã nhấn mạnh khoảng 1% du khách nói rằng Chúa tể những chiếc nhẫn là lý do họ đến. Nó chỉ là 1%, nhưng trị giá 33 triệu NZD đô la [hiện tại là 27 triệu đô la Mỹ] một năm. Sáu phần trăm trích dẫn Chúa tể những chiếc nhẫn là một trong những lý do chính khiến họ đến với [tôi nhấn mạnh]. Nhưng điều thực sự quan trọng là hơn 80% khán giả mục tiêu hiểu rằng Chúa tể của những chiếc nhẫn và Người Hobbit đã được quay và đang được quay ở New Zealand. Hơn nữa, sau khi bộ phim đến với công chúng, có khoảng 2700 doanh nghiệp nhỏ đã được hoạt động tại địa phương “nhà lùn”, nơi mà thực hiện trường quay.

Tại Hà Giang, không ít các bộ phim điện ảnh nổi tiếng, phim tài liệu và ca nhạc mượn bối cảnh tại vùng núi này, như Nhà của Pao, Lặng yên dưới vực sâu, Cha cõng con, Bầu trời đỏ. Trong đó, hình ảnh hoa tam giác mạch trở thành “mùa du lịch” cho tỉnh. Đường đến phim trường “Nhà của Pao” được trải nhựa, đầy ắp các hàng quán, xen lẫn với núi rừng. Không chỉ những hộ kinh doanh gia đình có thể mở quán nướng ngô nướng khoai, các công ty du lịch có thêm địa điểm hấp dẫn khách hàng, các nhà đầu tư của tập đoàn lớn tấp nập xây dựng resort, khách sạn gần phim trường. Nếu coi một địa phương là “doanh nghiệp” thì điện ảnh trở thành công cụ khám phá cấp cao, có thể so sánh với đơn vị nghiên cứu và phát triển cho địa phương. Nó không trực tiếp bán hàng, nhưng tạo ra sản phẩm tiên tiến, sáng tạo, hấp dẫn thị trường, thị hiếu. Từ đó, bất động sản tại các vùng được quay phim, hay phim trường được nâng giá. Nếu ở New Zealand, chính phủ còn giảm thuế cho các doanh nghiệp mở ra gần phim trường, thì tỉnh Hà Giang tạo điều kiện bằng cách mở lối giao thông thuận tiện, tăng tần suất du lịch, tạo nguồn khách hàng bền vững cho doanh nghiệp.

771591584f8e83d0da9f-1649134237.jpg
 Vùng cao của tỉnh Hà Giang

3/ Điện ảnh và Tri thức địa phương

Điện ảnh liên quan đến tri thức bản địa và đặc biệt tri thức địa phương với vai trò lưu giữ, lan toả và ứng dụng. Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên (2015) đã nghiên cứu, trên thế giới, thuật ngữ “Tri thức bản địa” được dùng lần đầu tiên trong ấn phẩm của Robert Chambers xuất bản năm 1979. Sau đó, Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Một số công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài đã đề cập đến tri thức bản địa và vai trò của nó đối với sự phát triển trong xã hội đương đại. Tác giả Warren định nghĩa: Tri thức bản địa là những hệ thống tri thức và thực nghiệm được phát triển qua nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa chuyên biệt. Một nhà nghiên cứu nhân chủng học nổi tiếng, Charles F. Keyes cho rằng, hệ thống tri thức truyền thống được coi là các tư tưởng thực nghiệm, cách con người phát triển các ý tưởng, khái niệm và thái độ để thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Điện ảnh còn trở thành công cụ truyền bá cho các thế hệ sau về tri thức bản địa, tạo nên giá trị bền vững cho văn hoá, thương mại địa phương (Janke, 2005). Thậm chí, điện ảnh còn nâng cao vấn đề đa dạng văn hoá, đoàn kết các dân tộc qua việc lan toả ngôn ngữ, tập tục, để các dân tộc hiểu nhau hơn. Thật vậy ghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa từ lĩnh vực nghiên cứu phát triển (ví dụ: Hoppers (2002), Breidlid (2009) ) cho thấy, tri thức bản địa là các truyền thống lâu đời, các kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng. Tri thức bản địa được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Tập hợp những hiểu biết, kiến thức và theo nghĩa này là một phần của tổng hòa văn hoá bao gồm cả hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các lễ nghi, giá trị tinh thần và thế giới quan.

Hà Giang là tỉnh có Tri thức bản địa đa dạng, với trên 730.000 người với 23 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Mông chiếm 31%, dân tộc Tày trên 27%, dân tộc Dao 15%, dân tộc Kinh 11% còn lại là các dân tộc khác. Những văn hoá dân gian mà vùng dân tộc thiểu số mang lại, tạo ra đa dạng sản phẩm nông nghiệp, dệt may và ẩm thực. Do đó, giá trị thương mại, du lịch luôn đi kèm với tri thức bản địa, cần được gìn gữ và lưu truyền. Điện ảnh về văn hoá các dân tộc cũng được thể hiện rõ qua các bộ phim tài liệu, mà đã trở thành học liệu cho nhiều thế hệ sinh viên, học sinh sau này.Ví dụ, truyền hình nhân dân có rất nhiều phim tài liệu về Văn hoá các vùng dân tộc, một số phim ngắn như “Hà Giang, tuyệt tác” là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn nhóm sinh viên miền Nam và nước ngoài tới trải nghiệm, học tập và trao đổi văn hoá.

4/ Điện ảnh và hình ảnh địa phương

Hình ảnh địa phương thường được hiểu là công cụ để phát triển du lịch, tuy nhiên, ý nghĩa của hình ảnh địa phương hay quốc gia còn được áp dụng trên đa lĩnh vực, như quan hệ quốc tế, chính trị và đặc biệt là đầu tư kinh tế. Điện ảnh có thể quảng bá các vấn đề môi trường, xã hội và chính quyền địa phương, nâng cao chỉ số “ESG” (environment, social, governance) để hỗ trợ quyết định của các nhà đầu tư, xây dựng doanh nghiệp ở tỉnh, thành phố. Tại Thái Lan, bãi biển “Maya” sau khi trở thành phim trường cho bộ phim “The Beach”, chính phủ đã có ý thức trong việc bảo tồn cảnh quan sinh vật thể, để nơi đó thu hút các tập đoàn nghỉ dưỡng, chữa lành cao cấp thân thiện với môi trường. Điện ảnh còn là sự phản ánh rõ nét về hiện trạng xã hội, đời sống, nhu cầu người dân, khiến những nhà nghiên cứu thị trường có cơ sở để thực hiện những nghiên cứu tại bàn (table work) trước khi đưa ra quyết định nghiên cứu điền dã.

Quyết định đầu tư được thực hiện bởi một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân, không chỉ dựa trên những thuật toán học, mà còn từ cảm xúc, thói quen, niềm tin của họ vào nơi đầu tư. Các phát hiện liên tục cho thấy rằng tâm trạng có thể ảnh hưởng đến thái độ của mọi người đối với rủi ro và đến lượt họ, lựa chọn của họ. Trong phòng nghiên cứu trải nghiệm, tâm trạng của đối tượng thường được điều khiển thông qua việc tiếp xúc với những kích thích như đoạn phim ngắn, âm thanh / âm nhạc, truyện ngắn và những món quà nhỏ (Chou và cộng sự, 2007).

Mặt khác, các nghiên cứu thực địa tập trung vào tâm trạng, quyết định đầu tư và kết quả tổng hợp của thị trường chứng khoán, thường giả định rằng một số yếu tố môi trường (ví dụ: ánh nắng mặt trời, giờ ban ngày, kết quả thể thao, ngày lễ tôn giáo) có thể kích hoạt thay đổi tâm trạng trong một phần lớn dân số nhà đầu tư, từ đó chuyển thành những thay đổi về mức độ sợ rủi ro và / hoặc sự lạc quan và ảnh hưởng đến các lựa chọn danh mục đầu tư (ví dụ: Hirshleifer và Shumway, 2003, Al-Hajieh và cộng sự, 2011 ). Lepori (2015) đã thực hiện nghiên cứu với những doanh nhân người Mỹ, và đưa ra kết quả rằng, điện ảnh được chứng minh, có vai trò trong “nguồn cung” tới cảm xúc của nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Thật vậy, tại Hà Giang, điện ảnh được chứng minh có tầm ảnh hưởng lớn tới du lịch, hình ảnh địa phương, do đó, các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh hầu hết để nâng cao năng lực tiếp nhận khách du lịch và phát triển văn hoá.Cụ thể, Hà Giang duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh Benguets (Philippines), thành phố Moriya (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản) và quận Boeun (tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc). Tỉnh đã ký kết khung hợp tác chiến lược với Ngân hàng thế giới (WB), theo đó đề xuất ưu tiên hỗ trợ của WB đối với tỉnh gồm: Tư vấn về định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045; Tư vấn, phản biện đối với Quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển du lịch xanh, sạch, bền vững; thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái hướng đến cộng đồng với 3 hợp phần chủ yếu: Cải thiện hệ thống kết cấu giao thông liên kết vùng du lịch; Xây dựng hệ thống các hồ treo cấp nước sinh hoạt; Xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng.

5/ Hà Giang có thể phát triển Kinh tế nhờ Điện ảnh?

Ảnh hưởng của điện ảnh đến đời sống xã hội, kinh tế không phải là chủ đề nghiên cứu mới, nhưng hầu hết đều được thực hiện ở góc nhìn từ quốc gia. Tuy nhiên, việc kết hợp của chính quyền địa phương với đoàn làm phim nước ngoài hay trong nước, có thể thứ nhất, đẩy nhanh quá trình tạo dựng phim trường. Thứ hai, dựa trên việc tìm hiểu về cảnh quan và văn hoá của đoàn làm phim, chính quyền địa phương có thể tận dụng làm địa điểm du lịch, mà không cần quảng bá, hay nghiên cứu, xây dựng. Thứ ba, sự ảnh hưởng của các bộ phim bom tấn có thể là nguồn cảm hứng kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, xung quanh địa điểm được quay phim. Thứ tư, sau thành công với “Nhà của Pao”, nguời dân có niềm tin vào du lịch qua phim ảnh. Do vậy, việc hỗ trợ các đoàn làm phim còn có thể làm tăng niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương. Hơn nữa, những bộ phim về văn hoá sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, như một tư liệu “học tập” cho người dân trong nước, ngoài nước về Hà Giang, gắn kết đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường an ninh thương mại biên giới phía Bắc.

z3194367972768-52cd666120fd78f5db3535c11e256f64-1649134108.jpg
 Du khách đến thăm "Nhà của Pao"

Tài liệu tham khảo

Al-Hajieh, H., Redhead, K., & Rodgers, T. (2011). Investor sentiment and calendar anomaly effects: A case study of the impact of Ramadan on Islamic Middle Eastern markets. Research in International Business and Finance, 25(3), 345-356.

Al-Hajieh, H., Redhead, K., & Rodgers, T. (2011). Investor sentiment and calendar anomaly effects: A case study of the impact of Ramadan on Islamic Middle Eastern markets. Research in International Business and Finance, 25(3), 345-356.

Beeton, S. (2001). Smiling for the camera: the influence of film audiences on a budget tourism destination. Tourism Culture & Communication, 3(1), 15-25.

Beeton, S. (2005). The case study in tourism research: A multi-method case study approach. Tourism research methods: Integrating theory with practice, 37, 48.

Breidlid, A. (2009). Culture, indigenous knowledge systems and sustainable development: A critical view of education in an African context. International journal of educational development, 29(2), 140-148.

Connell, J. (2005). Toddlers, tourism and Tobermory: Destination marketing issues and television-induced tourism. Tourism management, 26(5), 763-776.

Hirshleifer, D., & Shumway, T. (2003). Good day sunshine: Stock returns and the weather. The journal of Finance, 58(3), 1009-1032.

Janke, T. (2005). Managing indigenous knowledge and indigenous cultural and intellectual property. Australian Academic & research libraries, 36(2), 95-107.

Lepori, G. M. (2015). Positive mood and investment decisions: Evidence from comedy movie attendance in the US. Research in International Business and Finance, 34, 142-163.

Mordue, T. (2001). Performing and directing resident/tourist cultures in Heartbeat country. Tourist Studies, 1(3), 233-252.

Nguyễn Danh Tiên, Tri thức bản địa, Tạp chí lý luận chính trị, 15 tháng 4 năm 2015

Nguyễn, T. T. N. (2019). Ứng dụng điện ảnh trong quảng bá hình ảnh điểm du lịch, nghiên cứu trường hợp tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Nguyễn, T. V., & Hà, K. H. (2017). Phát triển du lịch theo phim ảnh: Kinh nghiệm ở các nước và định hướng cho du lịch Việt Nam.

Pinchefsky, C. (2012). The Impact (Economic and Otherwise) of Lord of the Rings/The Hobbit on New Zealand. Forbes, Dec, 14, 2012.

Roesch, S. (2009). The experiences of film location tourists. Channel View Publications.

Ruiz, D. F. (2015). Film tourism and local economic development. The Festival of Cinema of Huelva. Cuadernos de Turismo, (36), 461-463.

Nhóm tác giả: Tô Thế Nguyên-Đỗ Hoàng Phương-Nguyễn Thị Thùy Linh-Trần Phương Chi (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) -Vũ Minh An (Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội)