Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công

Ngày 27/12/2022, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022 chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt lĩnh vực hành chính công” với sự phối hợp của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học & Công nghệ, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh và Hội Tin học Thành phố.

Hội thảo nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công, đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực, ưu tiên đẩy mạnh hoạt động ứng dụng AI trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm nhân lực bộ máy và giảm thời gian xử lý công việc, chờ đợi và chi phí của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, quản lý xã hội và quản lý đô thị góp phần phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng bền vững.

1-1672223937.jpg
Ông Lâm Đình Thắng - GĐ Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia trình bày tham luận với các nội dung liên quan đến nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng AI, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công; Nghiên cứu của các nhà khoa học về sản phẩm AI có thể ứng dụng vào công tác quản lý nhà nước, vào lĩnh vực hành chính công; Chính sách của Thành phố đối với các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - truyền thông về nghiên cứu, ứng dụng AI; Thảo luận mối liên kết của cơ quan quản lý nhà nước, viện - trường đại học và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, đầu tư, triển khai ứng dụng AI.
Ông Lâm Đình Thắng - GĐ Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Năm 2022, kết quả triển khai chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực. Thành phố đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng. Tuy nhiên, Thành phố vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó, hai vấn đề cần tập trung là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất lao động của công chức; tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, ngành, các địa phương. Từ thực tế dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy hiệu quả chính quyền số còn bị hạn chế”.

2-1672223979.jpg
Các thí sinh đạt giải hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022.

Được biết, thời gian qua nhiều cơ quan hành chính tại TP. Hồ Chí Minh đã ứng dụng khá tốt trí tuệ nhân tạo, điển hình như TP.Thủ Đức với dịch vụ “định danh khách hàng điện tử”; Quận Bình Tân, Quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; Công an Thành phố ứng dụng AI trong hệ thống camera; Sở Thông tin & Truyền thông ứng dụng AI trong hệ thống 1022 trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid -19; nhiều sở, ngành, địa phương, thậm chí các phường đã ứng dụng hệ thống Chatbot/Voicebot để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Cùng ngày, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phối hợp Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học, Thành Đoàn, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức trao giải hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022. Hội thi đã thu hút hơn 1000 thí sinh với 210 đội đến từ hơn 40 đơn vị trên cả nước./.

Đạm Quang Lê