Quảng cáo #128

Dấu ấn tăng trưởng xanh tại Thanh Hóa từ chuyển đổi cơ cấu Nông nghiệp (Bài 3):

Đổi mới toàn diện hướng tới tương lai

Việc đổi mới phương thức canh tác và tư duy sản xuất đã mang lại cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa một diện mạo mới, xanh hơn và hiện đại hơn. Nhờ đó, việc thu nhập của người dân được cải thiện, tạo ra nền tảng quan trọng để từ Thanh hướng dẫn xây dựng một nền nông nghiệp vững chắc trong tương lai.
doi-moi-toan-dien-1-1731378695.png
Một số hình ảnh về cơ giới hóa nôn nghiệp tại Thanh Hóa.

Thay đổi phương thức canh tác, tạo đột phá

Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nông nghiệp Thanh Hóa đã có những bước tiến vượt bậc. Cơ giới hóa đã được đẩy mạnh, giúp nông dân giảm bớt sức lao động, tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập đáng kể. Đặc biệt, việc hình thành các vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao như dưa lưới, thanh long đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 94.135 máy móc các loại trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, máy móc phục vụ lĩnh vực trồng trọt có hơn 90.000 chiếc… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2.860 ha diện tích rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh được ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm như tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm...

Cơ giới hóa đã mang đến một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, giúp tăng năng suất và sản lượng, giảm chi phí sản xuất và nâng cao đời sống của người nông dân. Nhờ ứng dụng máy móc hiện đại, việc cày cấy, gieo hạt, thu hoạch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Giống như chia sẻ của bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX Xuân Minh (Xuân Minh, Thọ Xuân) chia sẻ: “Ứng dụng máy móc vào trong sản xuất đã mang lại nhiều thành công cho HTX. Nhờ đó, chúng tôi đã giảm thiểu sức lao động đến 30 %, năng suất và chất lượng sản phẩm cũng từ đó mà tăng lên”.

Đặc biệt, hiện nay các hộ dân trong vùng đồng bằng và trung du đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất khép kín, từ đó nâng cao đáng kể hiệu quả kinh tế. Điển hình như các mô hình trồng lúa lai F1, cây ăn quả có múi, cây dược liệu và nuôi trồng thủy sản đã mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trước đây. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 210 ha nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó gần 4.000m2 áp dụng công nghệ thủy canh. Nhờ đó, nông dân đã sản xuất được các loại rau, củ, quả sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Mai Thị Huyền, thôn Trung Bắc, xã Nga Thành (Nga Sơn), một trong những hộ dân tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ: Trước đây gia đình bà chủ yếu gắn bó với đồng ruộng, hiệu quả chẳng được là bao, nên nhiều người ở đây đều bỏ ruộng đồng để đi làm công ty. Nhưng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ của các sở ban ngành, nhiều người dân đã chủ động vay mượn xây dựng nhà màng nhà lưới để trồng dưa, từ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Đên nay, phương pháp trồng rau màu ứng dụng theo công nghệ của Israel này đã phát triển được 4.000m2 tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Nông Cống và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/ha/năm.

Song song với những kết quả đã đạt được, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn. Chi phí đầu tư cao, địa hình phức tạp, trình độ người nông dân còn hạn chế là những trở ngại lớn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, nguồn vốn vay còn hạn chế cũng là những yếu tố kìm hãm quá trình cơ giới hóa, đặc biệt là các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hình thành chuỗi liên kết bền vững

Để gỡ khó cho nông dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản quy mô lớn. Mô hình "4 nhà" (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) đã được triển khai hiệu quả, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, định hướng sản xuất và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống.

doi-moi-toan-dien2-1731379199.jpg
Mô hình liên kết sản xuất khoai tây tại Hoằng Hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, các chuỗi liên kết đã không ngừng mở rộng và phát triển. Các chuỗi liên kết đã tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng và hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của nông sản Thanh Hóa trên thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.386 doanh nghiệp nông nghiệp, 1.058 trang trại, 1.286 tổ hợp tác trong nông nghiệp; Hình thành các chuỗi liên kết với quy mô diện tích đạt trên 80.000 ha hoa màu, liên kết tiêu thụ cho 22.578,67 ha diện tích đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hình thức hợp tác để tạo vùng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ như ngao, tôm…

Tiêu biểu trong mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn phải kể đến mô hình liên kết khoai tây của HTX dịch vụ nông nghiệp tại xã Hoằng Thành liên kết với Công ty Cổ phần logistics Viettrans, Công ty hỗ trợ chính sách trả chậm giống, phân bón. Dự kiến ước thu hoạch khoảng 32-35 tấn/ha, sản lượng đạt yêu cầu khoảng 80% trở lên. Giá Công ty liên kết thu mua với các hộ dân 7.500 đồng/kg, giá bán trung bình ngoài thị trường từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg.

Tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, với thế mạnh là cây tre, luồng, để tìm hướng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1625/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Dự án có vốn đầu tư khoảng 3.199.000 triệu đồng. Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho 3.000 lao động, liên kết bao tiêu sản phẩm tre luồng cho tất cả các huyện miền núi và những vùng phù cận.

Tương lai sáng từ nông nghiệp xanh

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ mang lại động lực chuyển đổi mạnh mẽ từ nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp hiện đại mà còn trở thành nền tảng thúc đẩy ứng dụng khoa học và kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, nhờ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Thanh Hóa đã vươn ra thị trường quốc tế, góp phần đưa thương hiệu nông sản Việt Nam vươn xa, tạo dấu ấn trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.

doi-moi-toan-dien-1-1731380095.jpg
Chương trình OCOP đã góp  đưa nông sản Thanh Hóa mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Sự thành công của các sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa là minh chứng cho tầm quan trọng của việc đầu tư vào chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp và hợp tác xã địa phương đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều nông sản của tỉnh đã được thị trường quốc tế đón nhận.

Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 548 sản phẩm OCOP được công nhận, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 490 sản phẩm 3 sao. Trong đó có 23 sản phẩm OCOP xuất khẩu, tiêu thụ tại các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, các nước EU… Có được thành công đó, ngoài sự nâng đỡ của chính quyền các cấp ra, thì chủ thể sản phẩm cũng tận dụng lợi thế về công nghệ số, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, tạo cơ hội cho sản phẩm vươn xa trên thị trường.

Một số sản phẩm thông qua các hoạt động thương mại điện tử đã tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như sản phẩm mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; dứa, ngô ngọt, dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng và dứa khoanh, dưa bao tử đóng hộp của Công ty TNHH Tư Thành đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia...

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia cho biết: “Để thành công trên thị trường quốc tế, chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, từ thiết kế bao bì đến việc cung cấp thông tin sản phẩm minh bạch, giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm của chúng tôi”.

Thành công của quá trình đổi mới nông nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Không chỉ nâng cao đời sống nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà. Mở hướng cho nông sản xứ Thanh từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

(Còn tiếp bài cuối: Xanh hóa từ nền nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh).

Hà Khải