Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG): Công ty Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục"

Tại báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Công ty), Công ty Ernst & Young Việt Nam đưa ra ý kiến vấn đề cần nhấn mạnh "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty liên quan đến khoản lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.179,5 tỷ đồng và vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
hoang-anh-gia-lai-1680824862.jpg

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Công ty đã được kiểm toán mới đây, kết quả hoạt động thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất có nhiều điểm sáng, tích cực, cụ thể: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.198 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần (2,38) so với cùng kỳ năm 2021 (2.187,4 tỷ đồng), lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.173,4 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 1.028,2 tỷ đồng tăng lớn so với kết quả lỗ 130,6 tỷ cùng kỳ năm trước.

bc-kqkd-1680827848.jpg

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Công ty.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 37,3 tỷ đồng (năm 2021 âm 640 tỷ đồng), lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 250,2 tỷ đồng (năm trước dương 1.288,7 tỷ đồng), tuy nhiên lưu chuyển tiền thuần từ sử dụng vào hoạt động tài chính âm 293,5 tỷ đồng, trong năm tiền trả nợ gốc vay là 2.118,5 tỷ đồng.

luu-chuyen-tien-1680827940.jpg

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của Công ty.

Tổng tài sản của công ty trong bảng cân đối đạt 19.798,4 tỷ đồng tăng 1.358,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Trong đó, biến động đáng chú ý ở một số khoản mục như: hàng tồn kho 1.150,4 tỷ đồng so với cuối năm trước là 413,7 tỷ đồng; đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác 1.050 tỷ đồng, giảm hơn 700 tỷ đồng so với cuối năm trước; dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tăng hơn 600 tỷ đồng.

Bên nguồn vốn, biến động đáng chú ý nhất là khoản mục lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 là 4.469,8 tỷ đồng, sau khi bù đắp bởi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.128,7 tỷ đồng thì vẫn còn lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng. Ngoài ra, vay ngắn hạn tăng gần 1.500 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021.

Đáng chú ý nhất là nội dung thuyết minh 2.6 Giả định hoạt động liên tục, báo cáo ghi nhận tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn có khoản lỗ lũy kế là 3.341 tỷ đồng, và tại ngày này, nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.179,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Những điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Tại thuyết minh số 23. Vay: khoản Trái phiếu thường do BIDV nắm giữ trị giá 5.271 nghìn tỷ đồng vào ngày 31/12/2022 và vào ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn phần diện tích đề cập trong phần mục đích giải ngân của hợp đồng tín dụng. Cũng tại ngày này, Công ty chưa thanh toán lãi vay phải trả đến hạn tại ngày 31/12/2022 với tổng giá trị là 2.354,4 tỷ đồng. 2 khoản vay của Eximbank tổng giá trị 587,7 tỷ đồng, Tập đoàn chưa thanh toán khoản vay đến hạn với tổng giá trị là 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với ngân hàng.

thong-bao-cua-so-gdck-hcm-1680838585.jpg
Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM

Từ tình hình tài chính trên, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh có Thông báo số 677/TB-SGDHCM ngày 05/4/2023 thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu, theo đó mã chứng khoán HAG bị giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG theo Quyết định số 740/QĐ-SGDHCM ngày 07/10/2022 của Sở GDCK TP.HCM./.

PV