Cơ hội và thách thức khi phát triển điện khí LNG

Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng mỗi năm, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.
dien-khi-bac-lieu-1706458194.jpg
Mô hình dự án điện khí Bạc Liêu. Ảnh minh họa

Phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu

Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng gồm thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí (gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng LNG), nhiệt điện dầu, điện mặt trời, điện gió… Tuy nhiên, trên thực tế, thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển do phụ thuộc các con sông và hồ, đập thủy điện. Nhiệt điện than - nguồn năng lượng cơ bản của nền kinh tế thời gian qua - sẽ không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế. Nhiệt điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành cũng khá cao, khó cạnh tranh với các loại hình khác. Điện hạt nhân vẫn chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Bên cạnh đó, năng lượng điện gió và năng lượng điện mặt trời đã được khai thác sử dụng nhưng giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, lại không ổn định theo thời gian, mùa vụ nên nhiều quốc gia phải có trợ giá mua điện hoặc trợ giúp kinh phí để phát triển sản phẩm điện từ năng lượng tái tạo.

Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2% (7,08GW) lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

6 vấn đề cần giải quyết từ góc nhìn chuyên gia

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn có nhiều thách thức trong phát triển điện khi hóa lỏng LNG. Trước hết, nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá LNG trên thế giới tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam.

Trong khi đó, để có hạ tầng phát triển điện khí LNG cần một lượng vốn đầu tư lớn, với các quy trình xây dựng và chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt cũng là một khó khăn lớn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.

kho-lng-1706458194.jpg
Kho cảng Thị Vải chứa khí LNG. Ảnh: PV GAS

Do đó, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG và giải quyết khi có tranh chấp.

Thứ ba, về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất điện khí.

Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên sự chậm chễ trong triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, khiến hiệu quả các dự án LNG giảm thấp.

Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết. Sự quyết liệt trong việc phối hợp giữa các Bộ, ban ngành, các địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện các dự án LNG sẽ tạo sự an tâm, tin tưởng vào các cơ quan công quyền để các nhà đầu tư an tâm đầu tư một lượng tiền rất lớn vào điện khí LNG.

Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG./.

Hương Lan