Các tiêu chuẩn phát triển bền vững giúp thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế các bon thấp tại Việt Nam

Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng các bon thấp và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mới đây, IFC hợp tác cùng Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tăng cường thúc đẩy tài chính bền vững và huy động đầu tư của khu vực tư nhân nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu.

Thỏa thuận hợp tác mới với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ góp phần vào nỗ lực của chính phủ nhằm huy động thị trường vốn tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tài chính xanh và tài chính bền vững. Với sự hỗ trợ của IFC, UBCKNN sẽ thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tăng cường giám sát việc thực thi các yêu cầu quốc gia về ESG của các thành viên thị trường. Điều này sẽ giúp củng cố khuôn khổ chính sách về tài chính bền vững, khuyến khích các sản phẩm tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, trái phiếu chuyển dịch và trái phiếu gắn với phát triển bền vững để thu hút các nhà đầu tư quốc tế mà đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tài sản bền vững.

1-1668397889.jpg

Với sự hỗ trợ của IFC, UBCKNN sẽ thúc đẩy việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tăng cường giám sát việc thực thi các yêu cầu quốc gia về ESG của các thành viên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: “Thị trường vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng các bon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh”.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, cho biết, “Thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của UBCKNN. Việc IFC tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực và thông lệ ESG của các thành viên thị trường sẽ giúp mở rộng quy mô huy động tài chính xanh, hướng tới một thị trường vốn phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Những nỗ lực này nằm trong khuôn khổ Chương trình Tích hợp Môi trường Xã hội và Quản trị (IESG) - một sáng kiến hợp tác giữa IFC và SECO, với mục tiêu chính là hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên liên quan khác tại Việt Nam quản lý các rủi ro ESG thông qua việc xây dựng các khung quản trị, các quy trình quản lý và ra quyết định liên quan.

Ông Werner Gruber - Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết: “Tăng cường năng lực ESG quyết định đến việc thực hiện các cam kết khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tuy nhiên, việc không đánh giá đầy đủ và đúng mức các rủi ro ESG có thể dẫn đến các quyết định đầu tư không thành công và thiếu tính bền vững. Hợp tác của SECO và IFC nhằm cải thiện thực hành ESG tại Việt Nam, giúp thu hút được nguồn vốn đầu tư cho các dự án bền vững hướng tới lộ trình phát triển kinh tế toàn diện và bền vững hơn”.

Trên nền tảng các chuẩn mực của IFC - Bộ Tiêu chuẩn Hoạt động Môi trường Xã hội và phương pháp Quản trị Doanh nghiệp, cách tiếp cận tích hợp ESG sẽ giúp giải quyết các chủ đề ESG nổi cộm, trọng tâm là khung quản lý rủi ro môi trường xã hội, công bố thông tin và minh bạch, quản lý rủi ro khí hậu và các rủi ro liên quan đến giới.

Bà Kim-See Lim - Giám đốc Khu vực Đông Á của IFC chia sẻ: “Xanh hóa thị trường vốn với trọng tâm là áp dụng các tiêu chuẩn ESG phải là một ưu tiên khi Việt Nam tập trung huy động đầu tư tư nhân để đạt được mục tiêu kép là trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, IFC vui mừng được tiếp tục đồng hành cùng UBCKNN và SECO trong nỗ lực thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đầu tư khí hậu từ khu vực tư nhân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam”.

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai và cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải các bon khá cao, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải các bon của nền kinh tế và đạt được trạng thái trung hòa các bon vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26). Điều này sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới, trong đó nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.

Được biết, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) là cơ quan chuyên môn của chính phủ Thụy Sỹ về các vấn đề cốt lõi liên quan đến chính sách kinh tế. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, chương trình hợp tác tập trung vào cải thiện quản lý tài chính công, củng cố khu vực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế, và tăng cường phát triển đô thị và khả năng chống chịu với khí hậu của đô thị.

Đạm Quang Lê - Đoàn Thoa