IFC và Thụy Sỹ mở rộng hợp tác, thúc đẩy đầu tư bền vững và tăng trưởng việc làm ở các thị trường mới nổi

Ngày 14/10/2022 vừa qua, IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã ký hai thoả thuận với chính phủ Thụy Sỹ để hỗ trợ kiến tạo thị trường, việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện ở các thị trường mới nổi. Tiếp nối những đóng góp từ trước, Thụy Sỹ bổ sung thêm 30 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của IFC giúp cải thiện tiếp cận tài chính và giảm thiểu trở ngại trong kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu, thúc đẩy đầu tư bền vững và tăng trưởng việc làm toàn diện ở các nền kinh tế mới nổi, các nước có thu nhập thấp và chịu ảnh hưởng từ các cuộc xung đột.

Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) sẽ cung cấp 20 triệu USD cho IFC trong vòng 6 năm tới để hỗ trợ thiết lập các hành lang pháp lý cho các giao dịch đảm bảo, thông tin tín dụng, tình trạng mất khả năng thanh toán và các hệ thống điện tử liên quan. Chương trình Hạ tầng Tài chính Toàn cầu này được phát triển trên cơ sở các tiến bộ và kết quả đã đạt được từ quan hệ đối tác giữa IFC và Thụy Sỹ trong giai đoạn 2016 - 2021.

1-1665983985.jpg
Các thị trường mới nổi được IFC và Thụy Sỹ mở rộng hợp tác kiến tạo thị trường và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Chương trình này đã giúp bổ sung thông tin của thêm 40,8 triệu cá nhân và doanh nghiệp vào hệ thống thông tin tín dụng và tạo điều kiện để 1,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận tài chính với tài sản đảm bảo là động sản. Sáng kiến mới này sẽ hỗ trợ thiết lập và mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu và cá nhân đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Ông Makhtar Diop - Tổng Giám đốc Điều hành IFC cho biết: “Đầu tư của khu vực tư nhân có ý nghĩa quyết định vì các thị trường mới nổi cần phục hồi sau đại dịch Covid - 19 và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, từ các cuộc xung đột và biến đổi khí hậu đến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc SECO hỗ trợ kiến tạo thị trường và mở rộng tài chính toàn diện cho thấy cam kết của Chính phủ Thụy Sỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân toàn diện tại một số các thị trường có nhiều thách thức nhất”.

SECO và IFC cũng đã ký một thoả thuận về khoản đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Dịch vụ Tư vấn Môi trường Đầu tư do IFC quản lý. FIAS là quỹ hợp tác giữa IFC, Ngân hàng Thế giới và 12 đối tác phát triển để hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển nhất là các nước có thu nhập thấp và bị tác động của các cuộc xung đột nhằm kiến tạo thị trường, thu hút đầu tư bền vững và thúc đẩy tăng trưởng việc làm toàn diện. SECO là một đối tác dài hạn của IFC và đã đóng góp cho chương trình FIAS từ năm 1996.

Ông Guy Parmelin - Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục & Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ chia sẻ: “Đại dịch toàn cầu và khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực tạo việc làm chính của hầu hết các quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn này, những người làm chính sách cần nỗ lực tạo cân bằng giữa thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo ổn định tài chinh”.

“Tôi vui mừng tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác lâu dài với IFC trong lĩnh vực tiếp cận tài chính có trách nhiệm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chương trình hạ tầng tài chính. Ngoài ra, hoạt động của FIAS cũng đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đối tác của chúng ta. Chúng tôi tin tưởng rằng môi trường kinh doanh thân thiện đóng vai trò thiết yếu để giúp khu vực tư nhân có thể cạnh tranh, sáng tạo và tạo việc làm”, ông Guy Parmelin nhấn mạnh.

Được biết, IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất, IFC tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng nguồn vốn, chuyên môn và ảnh hưởng của mình để kiến tạo các thị trường và cơ hội tại các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài khóa 2021, IFC đã cam kết đầu tư ở mức kỷ lục 31,5 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các quốc gia đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong bối cảnh các nền kinh tế đang đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thực thi các biện pháp chính sách kinh tế và thương mại của Thụy Sỹ vì lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Cục phối hợp các hoạt động của mình với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Vụ Hoà bình và Nhân quyền (PHRD) của Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ. Ba cơ quan này cùng phối hợp thực hiện công tác hợp tác quốc tế của Thụy Sỹ.

Quỹ Dịch vụ Tư vấn Môi trường Đầu tư (FIAS) là cơ chế hợp tác giữa 16 đối tác phát triển, các nước tài trợ và các tổ chức từ thiện và Nhóm Ngân hàng Thế giới. Hoạt động được FIAS tài trợ nhưng do IFC quản lý và thực hiện có thể phân thành ba trụ cột chiến lược: Cải thiện môi trường kinh doanh ở các quốc gia khách hàng; mở rộng cơ hội thị trường và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có bốn chủ đề chương trình được coi là ưu tiên định hướng trong hoạt động để hỗ trợ ba trụ cột này gồm: Giới và phát triển bao trùm; minh bạch và kinh tế chính trị; khả năng cạnh tranh xanh; và các doanh nghiệp tăng trưởng cao.

Đạm Quang Lê