Bình Thuận: Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhờ quét mã QR

Việc triển khai hệ thống thông tin điện tử, truy xuất nguồn gốc với hàng loạt sản phẩm của Bình Thuận thời gian qua đã giúp tỉnh Bình Thuận nâng tầm sản phẩm, thế mạnh của địa phương.
san-pham-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-binh-thuan-1685968004.jpg

Theo ông Biên Tận Tài, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp với đơn vị chức năng liên quan hoàn thành xây dựng Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận” tại địa chỉ: http://truyxuatsanphambinhthuan.vn.

binh-thuan-1685968030.jpg

Đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022 được Bộ Công Thương phê duyệt. Mục đích của Đề án nhằm hướng tới hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) cho các sản phẩm của mình. Thông qua việc quét mã QR được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm. Cụ thể, những sản phẩm sẽ được thể hiện về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành, các chứng nhận an toàn thực phẩm,… Từ đó, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng tránh phải hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Mặt khác, việc tạo mã truy xuất nguồn gốc giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bảo vệ thương hiệu, uy tín, sản phẩm chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Đến nay, Sở Công Thương Bình Thuận đã hỗ trợ 12 cơ sở tham gia Đề án; đã có 45 sản phẩm của các cơ sở đã được tạo mã QR Code.

Hiện nay, Bình Thuận có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với sản phẩm chủ yếu thuộc các nhóm: sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí…

san-pham-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-binh-thuan-1-1685968052.jpg
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiểu của tỉnh Bình Thuận

Cùng với đó, những cơ sở có sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, còn được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương theo quy định để đào tạo nghề, truyền nghề. Hoặc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh, makerting, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực cũng được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng trang thông tin điện tử (website) của cơ sở. Cùng với đó còn được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên phương tiện thông tin truyền thông.

Cũng theo ông Biện Tấn Tài, quá trình triển khai Đề án, sau khi được Sở Công Thương phổ biến, hướng dẫn về lợi ích khi tham gia Đề án, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều phấn khởi, hưởng ứng. Theo đó, khi tham gia Đề án, bên cạnh việc doanh nghiệp được cấp mã QR cho sản phẩm của mình, thì doanh nghiệp không cần tốn chi phí tham gia và duy trì mã QR, mà còn tự quản lý nội dung mã QR thông qua hướng dẫn của Sở Công Thương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ việc hưởng ứng của doanh nghiệp, thì việc tham gia Đề án có một số khó khăn đến từ một số cơ sở là hộ kinh doanh, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng nên còn chậm trong việc đưa sản phẩm của đơn vị mình lên để lấy mã QR; một số doanh nghiệp hiện đang còn sử dụng dang dở mã QR được đăng ký trên các phần mềm bên ngoài nên chưa tham gia Đề án.

Vị vậy, về phái ngành công thương, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Đề án hoàn thành việc đưa sản phẩm lên phần mềm truy xuất nguồn gốc để lấy mã QR.

Tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở có sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh của tỉnh để biết, đăng ký tham gia Đề án.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện có hiệu quả phần mềm “Truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, góp phần phát triển thương hiệu các sản phẩm lợi thế.