Bắt Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai ở Đắk Nông do nhận hối lộ

Mới đây, ông Bùi Văn Đăng, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Sáng 22/10, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Nông xác nhận, ông đã nhận được thông báo từ Cơ quan CSĐT thành phố Gia Nghĩa về việc tạm giữ ông Bùi Văn Đăng, 41 tuổi, trú huyện Đắk Glong (Đắk Nông), là Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Gia Nghĩa để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi nhận hối lộ (theo quy định tại điều 354, Bộ luật Hình sự 2015).

nd-1666446274.jpg
Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (Nguồn ảnh: nhandan.vn)

Lực lượng chức năng đã thực hiện lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với bị can.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, từ tháng 6/2021 đến nay, ông Bùi Văn Đăng đã nhận 70 triệu đồng của người dân để thực hiện việc làm thủ tục nhanh (trước thời hạn theo quy định) đối với các hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chia tách thửa đất trên địa bàn TP Gia Nghĩa.

Trong đó, mỗi hồ sơ để được làm thủ tục nhanh, người dân phải chi tiền ít nhất là 5 triệu đồng/hồ sơ, cao nhất là 35 triệu đồng để làm hồ sơ.

Bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để ăn hối lộ, giải quyết hồ sơ không theo thứ tự, gây bức xúc trong dư luận và vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo cho các bộ phận liên quan thực hiện các bước chuẩn bị, khi nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chức năng sẽ tiến hành đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ công tác theo quy định.

Tại điều 354 bộ luật hình sự 2015quy định người phạm tội nhận hối lộ bị phạt tù từ 02 – 07 năm.

Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau thì bị phạt tù từ 07 – 15 năm:

– Phạm tội có tổ chức;

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

– Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 01 tỷ đến dưới 03 tỷ đồng;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

– Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Phạt tù từ 15 – 20 năm khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 03 đến dưới 05 tỷ đồng.

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 05 tỷ đồng.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ thì cũng bị xử lý theo quy định trên.​​​​​

Lưu ý:

– Tội nhận hối lộ áp dụng khung hình phạt tăng nặng là phạt tù từ 15 năm trở lên thì không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 28 BLHS).

Bên cạnh đó, Tội nhận hối lộ áp dụng khung hình phạt từ 02 – 07 năm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm. Tội nhận hối lộ áp dụng khung hình phạt từ 07 – 15 năm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.

– Người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS).

Như vậy, người phạm tội nhận hối lộ có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đến 05 năm, phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Văn Minh