Bảo vệ, cải tạo đất trong khi tiến hành các hoạt động trên đất, phục hồi khi có suy thoái và ô nhiễm đất

Có rất nhiều các chủ thể đã và đang tiến hành các hoạt động trên đất. Những hoạt động này thường để lại những hậu quả không tốt đối với tài nguyên đất.
cay-xanh-1644539799.jpg
Trồng cây gây rừng một trong những biện pháp bảo vệ tài nguyên đất hữu hiệu

Do đó, Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức cá nhân, các hộ gia đình tiến hành mọi biện pháp có thể để làm tăng khả năng sinh lợi trên đất nhưng đồng thời cũng phải chú ý áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ, cải tạo đất khi tiến hành các hoạt động của mình.

Nhà nước cũng khuyến khích, hỗ trợ phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật thân môi trường - đặc biệt là tài nguyên đất.

Các nguồn tài nguyên nói chung và đất nói riêng cần phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế của đất để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng cũng như mức độ giói hạn cho phép khai thác tài nguyên đất.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành các hoạt động trên đất, nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất, suy thoái nguồn tài nguyên đất, các tổ chức cá nhân cũng cần phải khắc phục. Nhà nước sẽ có trách nhiệm khắc phục suy thoái môi trường đất ờ các vùng đất do thiên tai hoặc các nguyên nhân không rõ nguồn gốc gây ra. Nếu để tình trạng suy thoái môi trường đất xảy ra, các tổ chức cá nhân cần áp dụng các biện pháp sau đây:

Thứ nhất, cần xác định các nguyên nhân gây suy thoái và có biện pháp hạn chế hoặc loại bỏ nguyên nhân chính. Đây là biện pháp quan trọng cần phải được thực hiện trước tiên nhằm loại bỏ những nguyên nhân đã và đang làm xấu đi tình trạng của tài nguyên đất.

Thứ hai, phải thực hiện ngay các biện pháp cải tạo đất, làm tăng độ màu mỡ của đất và các biện pháp khác để phục hồi môi trường đất. Tổ chức cá nhân gây ô nhiễm và suy thoái tài nguyên đất phải bồi thường thiệt hại và phải chịu mọi chỉ phí khắc phục môi trường.

Các tổ chức cá nhân khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo môi trường đất không phải do lỗi của mình thì kinh phí được lấy từ các khoản đóng góp, bồi thường của các tổ chức cá nhân gây ra; các khoản thu phí bảo vệ môi trường; từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường ngành, địa phương nơi phải khắc phục, cải tạo.

Đối với tài nguyên đất nói riêng và các nguồn tài nguyên khác nói chung, mức độ suy thoái và ô nhiễm có thể được chia thành 3 cấp độ là đặc biệt nghiêm trọng; nghiêm trọng; và đã bị ô nhiễm, suy thoái. Trên cơ sở sự phân chia thành 3 cấp độ này, các tổ chức cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cố thể áp dụng các phương pháp phục hồi môi trường đất phù hợp và hiệu quả nhất.

Để phục hồi được tình trạng ô nhiễm và suy thoái tài nguyên đất, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương cần có trách nhiệm đưa tin định kì hàng tháng về các khu vực đã xác định bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng tại địa phương đó hoặc trong cả nước, tìm ra các nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đó để có các biện pháp phù hợp.

Đối với vùng đồi núi, để hạn chế xói mòn trên đất dốc phải áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác như làm ruộng bậc thang, đào hố vảy cá, trồng cây theo băng. Cải tạo đất hoang, đồi núi trọc bằng các biện pháp nông - lâm kết hợp. Bảo vệ rừng và đất rừng, tổ chức định canh, định cư cho dân cư miền núi.

Đất nông nghiệp vốn đã ít, nên chúng ta cần có biện pháp quản lí chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Đồng với thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cần canh tác hợp lí, chống bạc màu, glây, nhiễm mặn, nhiễm phèn; bón phân cải tạo đất thích hợp; chống ô nhiễm đất do chất độc hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại, chất bẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng.

Không chỉ có chính sách đối với các hoạt động làm tăng khả năng sinh lợi của đất, Nhà nước còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi tiến hành các hoạt động trên đất./.