Bắc Ninh: Công bố văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng

Quả chuối tươi được người nông dân trồng tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được thị trường đặc biệt ưa chuộng, do đó, thương hiệu chuối Cảnh Hưng được công bố văn bằng bảo bộ Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương.
chuoi-canh-hung-1713171325.jpg
Hội Nông dân xã Cảnh Hưng là chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng. (Ảnh Sở KHCNBN).

Trước đó, ngày 9/4, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Tiên Du công bố văn bằng bảo hộ Sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng.

Sau hơn 2 năm triển khai, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 1 sản phẩm nông nghiệp của huyện Tiên Du” phối hợp với các ngành, địa phương hoàn thành nội dung chính: Xác lập quyền; quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm; quảng bá và xúc tiến thương mại đối với Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng... Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025 do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Ban Tổ chức trao chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về đăng ký Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh Hưng cho chủ sở hữu là Hội Nông dân xã Cảnh Hưng. Có 20 hộ dân đủ điều kiện được trao quyền sử dụng nhãn hiệu này.

vuon-chuoi-1713171325.jpg
Người dân chăm sóc chuối. (Ảnh HTX Cảnh Hưng)

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng chuối mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân ở xã Cảnh Hưng. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu, sản phẩm chưa được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng như xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Hiện nay, xã Cảnh Hưng có khoảng 500 hộ tham gia trồng chuối, tập trung chủ yếu tại bãi bồi thôn Rền, Thượng... với diện tích canh tác khoảng 110 ha. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác và sản xuất, năng suất chuối tăng qua từng năm, bình quân đạt 25-30 tấn/ha/năm. Ước tính, khoảng 70% chuối Cảnh Hưng được xuất sang Trung Quốc, với giá trung bình từ 6.000-7.000 đồng/kg, cho doanh thu ước đạt từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.

Việc được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với Chuối Cảnh Hưng là cơ sở quan trọng để khẳng định quyền đối với các sản phẩm, bảo vệ uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh cho chủ sở hữu. Bên cạnh đó, sản phẩm có nhãn hiệu sẽ là động lực để người trồng chuối áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, tiến tới xây dựng mô hình chế biến, bảo quản để hạn chế tình trạng nông sản bị ép giá khi vào thời vụ thu hoạch. Nhãn hiệu Chuối Cảnh Hưng được bảo hộ giúp người dân có thêm quyết tâm bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, đưa hình ảnh Chuối Cảnh Hưng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay Bắc Ninh đã có 18 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ như: nem Bùi - Ninh Xá, đậu Trà Lâm - Trí Quả, tương Ðình Tổ (Thuận Thành); bánh tẻ Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (Yên Phong); gạo nếp nhung Tam Sơn, bánh Phu thê Ðình Bảng (thị xã Từ Sơn); gạo tẻ thơm Quế Võ (Quế Võ); mây tre đan Xuân Hội (Tiên Du); tre trúc Xuân Lai, đồng Ðại Bái, cà rốt (Gia Bình)./.

Trần Quỳnh