Vì sao chưa thể tịch thu 11 cá thể hổ nuôi trái phép ở Thanh Hóa?

Gần 15 năm nuôi nhốt, tốn kém cho gia đình, áp lực cho chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án hợp lý nào đưa ra để “giải cứu” cho 11 cá thể hổ.
11-ca-the-ho-o-thanh-hoa-1698756626.jpg
Đến thời điểm hiện tại, mỗi cá thể hộ nặng khoảng 200 kg.

Theo tài liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Năm 2007 ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Đình Tư cùng trú tại thôn 27 (Cồn Tàu Voi) xã Xuân Tín nuôi nhốt 15 cá thể hổ trái phép trong đó ông Chiến nuôi 10 con, còn ông Tư nuôi 5 cá thể. Sau khi phát hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm và các cơ quan liên quan xác minh xử lý.

Ngày 03/8/2007 và 29/5/2007 UBND Thanh Hóa đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với 2 cơ sở này với tổng số tiền là 30 triệu. Tuy nhiên theo Nghị định số 139/2004/NĐ-CP và Nghị định 159/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì các quyết định xử phạt đều quy định rõ không tịch thu. Chính vì vậy, lực lượng chức năng tiếp tục giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi nhốt dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công văn số 478/TTg-NN ngày 31/3/2008 về việc xử lý nuôi nhốt trái phép đối với động vật hoang giã nguy cấp, quý, hiếm. Chi Cục kiểm lâm Thanh Hóa đã hướng dẫn hộ gia đình nuôi nhốt theo quy định.

Ngày 22/5/2012, Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận trại nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến, thời hạn 5 năm với mục đích nuôi sinh trưởng, sinh sản, bảo tồn theo quy định của pháp luật. Quá trình nuôi nhốt có 4 cá thể hổ bị chết, được cơ quan chức năng giám sát tiêu hủy.

Ngày 18/7/2017, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tham vấn về vấn đề nuôi nhốt cũng như xem xét các khuyến nghị của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) về tịch thu 11 cá thể hổ (7 hổ đực 4 hổ cái). Tại hội nghị đã thống nhất không tịch thu 11 cá thể hổ theo đề nghị của ENV nếu không phát hiện sai phạm tại trại nuôi. Tiếp tục để hộ gia đình nuôi nhốt, chăm sóc đảm bảo các yếu tố thiết yếu cho 11 cá thể hổ đến khi hoàn thiện thủ tục chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ có điều kiện tiếp nhận.

Ngoài ra, Sở NN Thanh Hóa còn làm việc với 11 đơn vị là các trung tâm cứu hộ, cơ sở giáo dục môi trường vườn thú để xem xét tiếp nhận 11 cá thể hổ tại Thanh Hóa. Trong đó có 2 đơn vị đã từ chối tiếp nhận với lý do không đủ cơ sở vật chất cũng như kinh phí chi trả cho hộ gia đình. 9 đơn vị còn lại đến nay vẫn không có phản hồi.

Đến thời điểm hiện tại, mỗi cá thể hổ nuôi nhốt tại trang trại nêu trên nặng khoảng 200kg/con. Về phía trang trại, từ khi không được cấp phép, họ cũng mong muốn được các cơ quan chức năng tiếp nhận để đưa về nơi có đủ điều kiện để hổ có thể sinh trưởng và phát triển được. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay đã chưa có một phương án xử lý nào được thống nhất giữa gia đình và bên tiếp nhận.

Đại diện chủ cơ sở nuôi hổ cho biết: “Giờ nuôi 11 cá thể hổ rất tốn kém, mỗi ngày 1 con tiêu thụ hết 8 đến 9kg thịt, để đảm bảo nguồn thức ăn cho hổ, chúng tôi đã liên hệ các sơ sở giết mổ nhập đầu gà về để làm thức ăn. Phía gia đình cũng mong muốn sớm có đơn vị tiếp nhận để đưa về nơi có điều kiện tốt hơn cho hổ sinh trưởng và phát triển”.

Hiện các cá thể đực và cái đang nuôi nhốt riêng, dẫn đến tình trạng không thể sinh sản. Lý giải về vấn đề này, quản lý cơ sở cho biết: “giờ 11 con nuôi đã vất vả, nếu cho hổ tự giao phối, sinh đẻ thêm thì lấy gì cho ăn”.

Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây, đàn hổ do Chi chục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp phép, nhưng sau khi hết phép, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị cấp phép động vật hoang dã thuộc nhóm 1 (nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm, cấm săn bắt, buôn bán dưới mọi hình thức). Tuy nhiên hiện đàn hổ vẫn chưa được cấp phép hay có hướng xử lý.

Được biết, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (trung tâm ENV) thuộc Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi Cục Kiểm lâm và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đề xuất tịch thu 11 cá thể hổ tại trang trại nuôi nhốt của ông Chiến.

Tuy nhiên, gia đình ông Chiến yêu cầu trả tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ dẫn tới việc giải quyết không có kết quả.

Cũng theo ông Tuấn, mới đây, Bộ Nông NN&PTNN đã có văn bản đề nghị phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu, phân tích ADN, chụp ảnh sọc vằn 11 cá thể hổ tại Thanh Hóa. Thời gian tiến hành, dự kiến diễn ra vào ngày 6/11/2023.

Hà Khải