Ủy ban châu Âu đánh giá cao nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam

Trong đợt kiểm tra thực tế lần thứ 4, về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong việc gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.
chong-iuu-1-1698145857.jpg
Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu đánh giá cao các nỗ lực "gỡ thẻ" vàng của Việt Nam - Ảnh minh họa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, sau cuộc thanh tra thực tế lần thứ tư diễn ra từ ngày 10 đến 18/10 của Đoàn kiểm tra Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đoàn kiểm tra EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, chỉ đạo rất sát sao từ cấp Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng tình, ủng hộ, chuyển biến tích cực trong mỗi cá nhân tham gia đánh bắt, khai thác hải sản.

Về cơ sở pháp lý chống khai thác IUU, đoàn kiểm tra của EC cơ bản thống nhất với dự thảo 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục như việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc. Đặc biệt, Đoàn kiểm tra đề nghị nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, không để tàu mất kết nối 10 ngày, tránh tình trạng tàu không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động.

Đối với nguyên liệu nhập khẩu bằng tàu container (đối với loài cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài). Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.

Đoàn cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyền biến trên thực tế; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Sau gần 6 năm triển khai đồng bộ, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại theo khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" IUU, đến nay Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Xác định việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã lập tức vào cuộc. Ngày 20/5/2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg về việc hành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU. Trong năm 2018, 2019 Bộ NN&PTNT đã ban hành, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản 2017, nhằm đảm bảo tương thích với quy định quốc tế. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành 13 quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch về chống khai thác IUU, 28 các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU.

"Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của EC", Thủ tướng nhắc nhở. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển, khai thác, đánh bắt hiệu quả nhưng bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Theo Thủ tướng, chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC.

Hà Khải