Triển vọng từ mô hình trồng cây niễng

Trên vùng đất nông nghiệp nhiễm mặn, gia đình anh Hoàng Minh Luyến (Sn 1983, thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã đưa cây niễng về trồng thử nghiệm. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
screenshot-12-1703148226.png
Triển vọng từ mô hình trồng cây niễng.

Đầu năm 2023, anh Luyến tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân tại các vùng đất nông nghiệp nhiễm mặn, sau đó, anh đã đưa cây niễng về trồng thử nghiệm trên diện tích 1.500m2 đất trồng lúa của gia đình.

Anh Luyến chia sẻ với phóng viên: Tôi thấy trên diện tích đất trồng lúa của gia đình, hằng năm sản xuất năng suất bấp bênh. Sau khi tìm hiểu, thấy cây niễng là một sản phẩm phù hợp với đất đai địa phương, năng suất gấp nhiều lần trồng lúa nên tôi đã trồng thử nghiệm.

screenshot-11-1703148250.png
Cây niễng được trồng tại vùng đất bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả ỏ xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh.

Theo anh Luyến, cây niễng bắt đầu trồng từ cuối tháng Giêng, chỉ bỏ công tháng đầu trồng để làm cỏ và bón thêm phân chuồng, đợi đến cuối tháng 9 âm lịch thì thu hoạch.

Qua vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, theo đánh giá ban đầu cho thấy, cây niễng sống rất khỏe, chịu được mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, người trồng chỉ cần mua giống năm đầu tiên và có thể nhân giống trồng lâu dài. Hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với trồng lúa gấp 2 - 4 lần.

z4942662039305-e23951c9375ae90a56adcee56365c544-1703148216.jpg
Gia đình anh Luyến thu hoạch củ niễng để tiêu thụ.

Cây niễng hay còn có cách gọi khác là giao bạch, lúa bắp, lúa niêu… là một loại cỏ sống lâu năm thuộc loại hoàn thảo với cả thân và hạt có thể sử dụng được nên từ lâu được người dân sử dụng như một loại cây lương thực thực phẩm. Niễng trong giống lau sậy, mọc ở dưới nước hay đất nhiều bùn, cao từ 1 - 2 m, rễ nhiều, thân đứng, nhẵn, phía dưới gốc to, xốp. Cây niễng cũng trổ bông, có hạt, chậm phát triển vào mùa đông, phát triển nảy nở vào mùa xuân thu hoạch vào mùa thu. Thân niễng bị một loại nấm than xâm nhập vào mầm ngọn, hình thành củ niễng nên không thể trổ bông thành hạt. Nếu không thu hoạch củ niễng làm rau ăn thì ngọn sẽ bị thối hỏng.

screenshot-70-1703148244.png
Củ niễng sau khi đã được sơ chế.

Do đây là loại thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm củ niễng sau khi thu hoạch được thị trường tiêu thụ nhanh. Hiện giá bán dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/củ và 50.000 đồng/túi. Sản phẩm được giới thiệu, bán tại các hội chợ, trên sàn Thương Mại Điện Tử huyện Kỳ Anh và nhiều kênh khác nhau.

Tuy nhiên, cây niễng được lấy giống bằng cách giữ những mầm chưa lớn, chưa bị nấm và còn sống qua mùa đông chứ không có hạt để gieo. Do vậy, niễng khá khó trồng và không gây được giống nhiều.

screenshot-64-1703148259.png
Anh Luyến thu hoạch niễng vụ trồng thử nghiệm.

Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn, mô hình trồng cây niễng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Mô hình rất có triển vọng, cần được nhân rộng đến các hộ dân có diện tích đất vùng sâu trũng, học tập kinh nghiệm để chuyển đổi sang trồng cây niễng. Từ đó, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang tại địa phương./.

Nguyễn Duyên