Trà hữu cơ Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Châu Âu

Trà (chè) - thức uống phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau nước. Sản phẩm trà phát triển nhanh từ thế kỷ 19, được trồng ở các đồn điền lớn ở Ấn Độ và châu Phi.

Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) chia sẻ, cơ hội cho thị trường trà đặc sản, có chứng nhận đang tăng lên rất nhanh.

Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng cao, đồng thời họ cũng có yêu cầu cao về sản phẩm phải được sản xuất và chế biến theo các tiêu chuẩn bền vững; đặc biệt là tiêu chuẩn hữu cơ, các tiêu chuẩn về trách nhiệm công bằng xã hội.

“Chứng nhận ở các mức độ kỹ thuật khác nhau đang dần trở thành một yêu cầu bắt buộc để bán sản phẩm trà tại châu Âu; trong đó chứng nhận hữu cơ là chứng nhận nhận được nhiều sự quan tâm và có thị trường rộng mở nhất”, ông Đức cho hay.

dsc07760-1024x683-1651737491.jpg
Ông Phạm Minh Đức bên vườn chè được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ

Tổng giá trị thị trường trà hữu cơ trên thế giới là 334.6 triệu USD và dự đoán có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,2%, dự kiến đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2027 (số liệu 2019 - GrandViewResearch.com). Châu Âu và Mỹ là 2 khu vực tiêu thụ nhiều nhất.

Toàn bộ thị trường châu Âu đều cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm trà hữu cơ đặc biệt là tại thị trường Bắc Âu và Tây Âu. Thị trường này phát triển sớm do mức thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng phát triển hơn so với phần còn lại.

Theo ông Đức, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng kênh bán hàng qua siêu thị và cửa hàng trà đặc sản, hữu cơ đang mở rộng mạnh mẽ. Tỷ trọng sản phẩm hữu cơ nói chung, trà nói riêng xuất hiện ngày càng nhiều trong siêu thị với vị trí dễ tìm.

Không những thế, số lượng cửa hàng trà đặc sản, hữu cơ cũng đang nở rộ ở các thành phố lớn có trình độ ẩm thực cao như Paris, London, Munich; cho thấy sự lớn mạnh của thị trường này.

Cũng theo ông Đức, mặc dù nhu cầu sản phẩm trà đặc sản, hữu cơ đang trở thành một xu hướng rõ ràng nhưng những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn.

Qua quan sát và số liệu giao dịch, tiến trình dịch chuyển của các quốc gia sản xuất trà lớn sang chứng nhận hữu cơ đang diễn ra rất nhanh; đặc biệt ở các nước Châu Phi, nơi có khí hậu, điều kiện canh tác rất thuận lợi cho cây trà hữu cơ, do đó tạo ra một số lượng sản phẩm lớn với mức giá thấp.

“Chất lượng sản phẩm ở đây không quá cao, nhưng với lợi thế giá thành thì các sản phẩm từ đây sẽ có một chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu - nơi có quan hệ lịch sử lâu dài với lục địa đen”, ông Đức tâm sự.

Hiện nay, có một thách thức là sự trỗi dậy của các sản phẩm đồ uống thảo dược thay trà. Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp, quốc gia đầu tư nghiên cứu tạo ra các dòng sản phẩm trà non Camelia, có tác dụng hỗ trợ sức khỏe và được người tiêu dùng đón nhận mạnh mẽ; trong đó Rooibos Tea là một ví dụ thành công điển hình.

Một thách thức nữa là gần đây trong chính sách có sự thay đổi trong yêu cầu của việc chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu đối với các nước sản xuất thứ 3 như Việt Nam, nhằm bảo vệ nông dân châu Âu nói chung.

Mặc dù, trà không phải là sản phẩm mà các nông dân châu Âu có thể canh tác và cạnh tranh trực tiếp, nhưng những chính sách chung, những yêu cầu phức tạp hơn đối với các nông dân sản xuất nhỏ như đang làm chi phí chứng nhận tăng cao; thời gian chứng nhận và quy trình xuất khẩu phức tạp hơn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Với một thị trường lớn như trà, thì cơ hội cho trà Việt Nam luôn luôn sẵn có, song cần một nỗ lực lớn trong sáng tạo và nắm bắt của doanh nghiệp. Trong đó, việc lựa chọn phân khúc thị trường, gắn kết với đặc trưng độc đáo của sản phẩm, xây dựng câu chuyện riêng để phát triển thương hiệu đóng vai trò quyết định.