TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ quốc tế

Mới đây, UBND TP.HCM vừa duyệt Đề án xây dựng Thành phố thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao. Qua đó, TP.HCM sẽ lựa chọn các nhóm ngành, ngành có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp, tiềm năng, xu hướng phát triển ngành kinh tế dịch vụ trên thế giới, phát huy các lợi thế cạnh tranh với các thành phố lớn của các nước...
sg1-1723515168.jpg
Đến năm 2045,TP.HCM phấn đấu, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Cụ thể, theo Đề cương đề án ''Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao''. Những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TP.HCM đã và đang chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Tuy nhiên, đa phần các đơn vị khu vực dịch vụ của địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đó là đa phần các đơn vị dịch vụ vẫn ở quy mô vừa và nhỏ; chưa hình thành được các đơn vị dịch vụ hàng đầu có vai trò dẫn dắt thị trường; hạn chế về nguồn vốn đầu tư; mối liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn hạn chế và đặc biệt, công tác chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới còn hạn chế.

Mục tiêu của đề án là phân tích, đánh giá thực trạng phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010 - 2023 (quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng, giá trị tăng thêm, các nguồn lực, các điều kiện phát triển các ngành dịch vụ, tồn tại, hạn chế, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức trong phát triển ngành kinh tế dịch vụ).

Đồng thời, đề án xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược tổng thể và lựa chọn phát triển các nhóm ngành, ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp tiềm năng, phù hợp xu hướng phát triển ngành kinh tế dịch vụ trên thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Qua đó, phát huy các lợi thế cạnh tranh của TP.HCM với các thành phố lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, nâng tầm vai trò trung tâm của TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia, cấp khu vực trên các lĩnh vực của ngành dịch vụ mà thành phố phát huy các lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đề án xác định các nguồn lực, yêu cầu, điều kiện cần thiết để phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố, đưa thành phố đi đầu về các dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và là đầu mối giao lưu, hội nhập với quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực.

Mục tiêu của Đề án, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 2045, xây dựng TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước./.

Quốc Cường