Tổng giám đốc FedEx nhận định kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ suy thoái

Tổng Giám đốc công ty giao nhận kho vận FedEx Corp của Mỹ, ông Raj Subramaniam, vừa nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ suy thoái.

Cụ thể, đánh giá bi quan của người đứng đầu FedEx xuất hiện ngay sau khi thông tin FedEx đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong quý đầu tiên trong năm tài chính (kết thúc vào ngày 31/8/2022), dự kiến chỉ đạt 23,2 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng 23,59 tỷ USD của các nhà phân tích. Qua đó, công ty cũng buộc phải rút lại những dự báo hoạt động của cả năm.

Cổ phiếu của FedEx đã sụt giảm 15% trong phiên giao dịch ngày 15/9. Giá cổ phiếu được điều chỉnh dự kiến là 3,44 USD cho mỗi cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với ước tính là 5,14USD/cổ phiếu.

Tác động của sự suy giảm hoạt động kinh tế trên toàn thế giới khiến doanh thu của bộ phận vận chuyển hàng không FedEx Express giảm 500 triệu USD, còn doanh thu của bộ phận vận chuyển hàng hóa kiện nhỏ ở mặt đất FedEx Ground giảm 300 triệu USD trong quý I của tài khoá này. Giám đốc FedEx cho biết, công việc của những đơn vị vận chuyển như là công cụ phản ánh tình hình kinh doanh của nhiều ngành khác. Do đó, khi việc kinh doanh của FedEx sụt giảm, đồng nghĩa với việc nền kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn.

FedEx đang cắt giảm chi phí, bao gồm đóng cửa một số chi nhánh văn phòng, giảm giờ lao động và hợp nhất một số cơ sở phân loại hàng hóa.

deliveries-id-7adf5d7e-739f-4011-bc61-629cd65c2c4c-original-1663563166.jpg
Nhân viên của công ty giao nhận kho vận FedEx Corp đang giao kiện hàng.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông Raj Subramaniam - người mới đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc FedEx đầu năm nay, đã bày tỏ thất vọng với kết quả kinh doanh, nhưng khẳng định yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất là tình hình kinh tế vĩ mô mà thế giới đang phải đối mặt.

Ông cho biết, lượng vận chuyển toàn cầu sụt giảm khiến kết quả kinh doanh của FedEx không được như kỳ vọng, bất chấp việc công ty nhận định rằng nhu cầu sẽ tăng lên sau khi các nhà máy ở Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi dỡ bỏ phong tỏa sau đại dịch COVID-19.

Ông nói thêm, thương vụ kinh doanh "giảm tuần qua tuần" kể từ tháng 6 vừa qua. Bên cạnh đó, công việc của những đơn vị vận chuyển như FedEx là công cụ phản ánh tình hình kinh doanh của nhiều ngành khác, đặc biệt trong nền kinh tế giá trị cao. Do đó, việc kinh doanh của FedEx sụt giảm, đồng nghĩa với việc nền kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn.

Ông Raj Subramaniam, làm việc tại FedEx vào năm 1991, đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc FedEx đầu năm nay, thay ông Fred Smith, người thành lập công ty này vào năm 1973.

Hiện, FedEx có khoảng 600.000 nhân viên trên toàn cầu và xử lý hơn 16,5 triệu gói/kiện hàng mỗi ngày.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu trong năm tới nhiều khả năng sẽ giảm mạnh xuống còn 0,5% và khoảng 0,4% nếu như tính theo đầu người.

Thi Nguyên (t/h)