Kinh tế châu Âu suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến?

Dữ liệu chính thức vừa được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý I/2022 chỉ đạt 0,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 0,3% trong cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo tốc độ tăng trưởng

Đầu năm nay, khi các hạn chế Covid-19 giảm dần, nền kinh tế châu Âu được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2 đã làm tiêu tan những hy vọng đó. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm tăng trưởng do chi phí năng lượng tăng cao, có thể trở thành suy thoái kinh tế nếu nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga bị gián đoạn.

Chi phí năng lượng tăng vọt đang là thách thức lớn nhất đối với châu Âu. "Giá năng lượng tăng mạnh đang làm giảm nhu cầu và tăng chi phí sản xuất", Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đánh giá. Cùng với đó, sự gián đoạn mới về nguồn cung cấp thành phẩm và phụ tùng từ Trung Quốc cũng tạo ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp.

Ông Luis de Guindos cũng cảnh báo cuộc chiến tại Ukraine đang đè nặng lên niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu, tạo ra những nút thắt mới. "Những diễn biến này cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong giai đoạn sắp tới", ông dự báo.

Quỹ tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay xuống 3,6%, thấp hơn 0,8% so với dự báo hồi tháng 1. Cũng giống như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, các giải pháp tiền tệ đã nhanh chóng giúp hoạt động kinh tế được phục hồi, nhưng liên tiếp những cơn gió ngược, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến cán cân cung cầu vẫn chưa trở về trạng thái cân bằng cần thiết và đà phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu lại một lần nữa bị thử thách.

nga-khi-dot-chau-au-1651232285930406009921-1651653148.png
Giá năng lượng tăng mạnh đang làm giảm nhu cầu và tăng chi phí sản xuất. Ảnh minh hoạ.

Chỉ số chiều hướng đi xuống

Tăng trưởng của toàn khu vực Liên minh châu Âu (EU) trong quý 1/2022 đạt 0,4%, thấp hơn so với mức 0,5% ghi nhận trong quý 4/2021.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại EU trong tháng 4 vừa qua đã tăng 7,5% - mức cao nhất từ trước đến nay; nguyên nhân chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt.

Đối với các quốc gia thành viên EU, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, Đức chỉ ghi nhận mức tăng trưởng rất thấp, đạt 0,2%, trong quý I/2022. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất EU.

Tại Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai EU, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE) cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I/2022 đã giảm xuống mức 0% khi người tiêu dùng tại đây thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao và các bất ổn kinh tế do cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine gây ra.

Số liệu này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,25% của Ngân hàng trung ương Pháp đưa ra trước đó; đồng thời, chấm dứt đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Pháp sau đại dịch Covid-19. Mức lạm phát hàng năm của Pháp cũng tăng từ mức 4,5% trong tháng 3 lên 4,8% trong tháng 4.

Cùng chung xu hướng trên, Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 giảm 0,2% so với quý trước đó, do dịch vụ và xuất khẩu đều giảm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Italy tăng 5,8%. Trước đó, Ngân hàng trung ương Italy đã cảnh báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm trong quý 1/2022 do số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh vào đầu năm nay và giá năng lượng tăng vọt.

Quý tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu

Cuộc xung đột tại Ukraine đang gây áp lực lên nền kinh tế châu Âu, đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao, làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung cho các nhà sản xuất, đồng thời làm xói mòn niềm tin kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Thông tin không mấy tích cực đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy GDP 3 tháng đầu năm của nước này giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là quý tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020. Trong khi đó những lo ngại ngày càng tăng về tác động của các biện pháp hạn chế do Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến đồng nhân dân tệ mất giá kỷ lục 4,2% trong tháng này.

Theo chuyên gia Rolf Buerkl của Đức, thế giới đang ở trong một trạng thái rất tồi tệ: “Triển vọng kinh tế đã giảm đáng kể trong tháng 4. Điều này có nghĩa là nguy cơ suy thoái ngày càng hiển hiện và trên hết là lạm phát đình trệ, tức là sự kết hợp của nền kinh tế đình trệ, không tăng trưởng với tỷ lệ lạm phát cao. Tất nhiên, đây là một diễn biến rất bất lợi, đặc biệt là đối với người tiêu dùng, vì một triển vọng như vậy rất khó để các ngân hàng trung ương có thể ứng phó”.

Phương Ly (t/h)