Thống đốc lý giải vì sao nhu cầu mua nhà ở xã hội cao nhưng giải ngân gói 120.000 tỷ rất thấp

Nêu nguyên nhân khiến việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước hết là do nguồn cung về nhà ở hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu vay của người lao động thấp cũng thấp.
thong-doc-1699246203.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quốc hội.

Sáng 6/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong chương trình chất vấn kéo dài 2,5 ngày với 4 nhóm lĩnh vực tổng hợp. Trong sáng 6/11, có 113 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân hạn chế do thiếu nguồn cung nhà ở

Là một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đặt vấn đề, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với loại hình này được cử tri và đông đảo người dân rất kỳ vọng. Nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?

tran-thanh-huong-1699246203.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - Ảnh: Quốc hội.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Đây là gói tín dụng sử dụng nguồn tiền từ nguồn huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.

Theo Thống đốc, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện. Đồng thời, có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này.

Thống đốc cho biết thêm, hiện có 18/63 UBND cấp tỉnh gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, tổng cộng có 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tính tới cuối tháng 10.

Về nguyên nhân khiến giải ngân gói này còn hạn chế, theo bà Hồng, trước hết là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Cùng với đó, nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở...

Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND các tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.

Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ.

Theo ông Trí, đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động.

Bên cạnh đó, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá,... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì thực hiện thành công được. Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.

Nhất trí với ý kiến bổ sung của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhắc lại chương trình 1 triệu căn hộ là chương trình nhân văn, để thực hiện chương trình này đỏi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Như đã báo cáo, nhu cầu nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn lại là cân nhắc của người dân.

Thống đốc cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120.000 tỷ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Đến nay đã có thêm một ngân hàng thương mại tham gia chương trình với số vốn 5.000 tỷ. Thời gian tới, nhiều ngân hàng thương mại khác tham gia thì vốn sẽ lớn hơn.

Nhất trí rằng mục tiêu 1 triệu căn hộ đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống, Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp bộ ngành địa phương, công đoàn thì sẽ tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình.

Chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tín dụng

Cùng đặt câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho hay, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay mới đạt 5,91%, đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt 14% như mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023.

tran-thi-van-1699246203.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Quốc hội.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lý do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp đã từng được bà giải trình trước đó khi thảo luận về kinh tế - xã hội. "Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng, với doanh nghiệp đơn hàng giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nguồn cung tín dụng được điều hành theo hướng thuận lợi nhất cho các ngân hàng cung tín dụng", bà nói.

Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt câu hỏi, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng. Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai thực hiện chủ trương này thế nào?

Trả lời, Thống đốc nói chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều hành bám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính.

Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức điều hành tín dụng này thì Ngân hàng nhà nước đã thống nhất tại thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng vì hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, nếu bỏ chỉ tiêu tín dụng làm cho tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng tín dụng Việt Nam đang ở mức cao trên GDP theo cảnh báo của WB.

"Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thì việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc nói thêm.

Hoàng Hà