Thành Nhà Hồ: Tiếng gọi xuân xưa vọng về

Qua những hoạt động như Lễ Thượng nêu, khôi phục các nét văn hóa cung đình trong những dịp tết đến xuân về đã góp phần tái hiện lại một thời thịnh trị của triều đại phong kiến Việt Nam, tạo điểm nhất thu hút du khách thập phương.
5-1707191330.jpg
Thành Nhà Hồ thu hút đông đảo du khách đến tham quan dịp tết đến xuân về.

Bảo tồn nâng tầm giá trị di sản

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới được xây dựng vào năm 1397 cuối thời nhà Trần, với tên gọi Tây Đô. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Từ đó, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Xuất phát từ thực tiễn tại khu di sản Thành Nhà Hồ, cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong thăm quan du lịch hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng các tuyến thăm quan khu di sản để phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách, trên cơ sở khai thác và phát huy những thế mạnh từ các làng cổ ở ngay cạnh di sản Thành Nhà Hồ, trong đó có khu vực phía Đông di sản và làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có đầy đủ các yếu tố để cấu thành khu vực thăm quan trọng điểm kết hợp thăm quan di sản Thành Nhà Hồ với làng cổ phụ cận thuộc khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ.

4-1707191520.jpg
Có những thời điểm du khách phải "xếp hàng" chờ lượt tham quan.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di Sản Thành Nhà Hồ đã triển khai kế hoạch bảo tồn và, phát huy có hiệu quả di sản độc đáo này khi gắn kết với du lịch. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Thành nhà Hồ đã tập trung ưu tiên, đặc biệt là công tác nghiên cứu, khai quật các điểm di tích ở Thành Nội, Hào thành, đàn tế Nam Giao...

Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Thành Nhà Hồ năm 2020. Cuộc khai quật đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thành Nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Chính điện và phía Đông thành, phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục dấu tích kiến trúc Thành nhà Hồ. Qua đó, tiếp tục khẳng định giá trị to lớn và nổi bật của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Từ những giá trị lịch sử nêu trên đã góp phần nâng tầm thương hiệu của Tòa thành đá hơn 600 tuổi lên một tầm cao mới, sánh ngang với Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, hay Kim Tự Tháp ở Hi lạp.

Đổi mới để thu hút du khách

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính Phủ, Bộ Văn hóa và các sở ban ngành tại địa phương, Thành Nhà Hồ đã tập trung đổi mới, khai thác hiệu quả các thế mạnh về du lịch. Từ đó xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch nghiên cứu, trải nghiệm hàng đầu xứ Thanh.

1-1707191585.jpg
Ngoài tham quan trải nghiệm, du khách còn được nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về tiến lịch sử của một triều đại phong kiến ngắn nhất Việt Nam.

Việc xây dựng các bài thuyết minh du lịch và tour du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di tích vệ tinh nhằm góp phần làm phong phú hoạt động du lịch và làm nổi bật hơn nữa giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Ông Trần Văn Nên, du khách ở Quảng Nam chia sẻ: “Sau 5 năm tôi mới quay lại Thành Nhà Hồ, trước đây, chúng tôi chỉ đến chiêm ngưỡng tòa thành, chụp ảnh, nghiên cứu mấy hiện vật rồi đi về, nên rất dễ chán không muốn quay lại. Nhưng năm nay, quay trở lại thấy du lịch ở đây phát triển khác hẳn, sản phẩm du lịch đa dạng hơn, được trải nghiệm nhiều hơn”.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã nỗ lực phát triển thêm nhiều sản phẩm, không gian mới phục vụ khách du lịch tham quan. Trong đó phải kể đến “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”; “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; khai thác không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía Nam; trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh;... Đồng thời đưa vào chương trình tham quan khu vực phụ cận Thành Nhà Hồ.

2-1707191707.jpg
Du khách đến đây được trải nghiệm nét văn hóa cổ xưa qua những trò chơi, bữa cơm truyền thống.

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung Tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Cho biết: “Trong những năm qua, Trung Tâm bảo tồn Di sản đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức các Hội thảo khoa học. Qua đó nghiên cứu, phục dựng lại không gian văn hóa cổ xưa để thu hút du khách. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng các bài thuyết minh du lịch và tour du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di tích vệ tinh nhằm góp phần làm phong phú hoạt động du lịch và làm nổi bật hơn nữa giá trị của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ”.

Qua đó, du khách đến tham quan tại Thành Nhà Hồ liên tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong 10 tháng năm 2023, Thành nhà Hồ cho 183.800 lượt khách, đạt 147% kế hoạch được giao trong năm 2023; so với cùng kỳ năm 2022 chiếm tỷ lệ 114,9%. Trong đó, khách trong nước là 182.586 lượt, khách quốc tế là 1.214 lượt khách. Đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ có đối tượng khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế ngày càng tăng.

Đặc biệt, trong những dịp cuối năm, Thành Nhà Hồ đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm phong cách cung đình như: Lễ Thượng Nêu, thả cá ông Công… Ngoài ra, Trung Tâm còn phối hợp với trường THPT Vĩnh Lộc tổ chức cuộc thi rung chuông vàng với chủ đề “Âm vang Cố đô” với sự tham gia của hàng trăm học sinh.

Từ những hoạt động nêu trên, Thành Nhà Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mỗi độ tết đến xuân về. Đến đây, du khách được hòa mình cùng sắc xuân trong không khí cung đình xưa, được thưởng thức các món ăn “tiễn vua” đã làm nên thương hiệu của một vùng miền như chè lam, bánh răng bừa…

Với quan điểm, du lịch phải luôn thay đổi, tạo cảm giác mới lạ đối với du khác. Ngoài việc gìn giữ, phát huy những thế mạnh sẵ có, Thành Nhà Hồ đã và đang hình thành các tour du lịch tâm linh phù cận dọc dòng sông Mã, xây dựng thêm các điểm du lịch trải nghiệm để “níu chân” du khách.

“Tới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ kết hợp với một số hộ dân để cùng làm du lịch trải nghiệm. Khi đó, du khách đến đây, ngoài tham quan trải nghiệm còn được trải nghiệm các khâu làm các loại bánh đặc sản của địa phương, tham gia sinh hoạt với không gian văn hóa cổ xưa. Từ đó làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch nơi đây để thu hút du khách”. Ông Lê Hữu Anh chia sẻ thêm.

Từ những việc làm nêu trên đã góp phần kích thích tiêu dùng, tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc trưng, làm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Từng bước đưa du lịch Thành Nhà Hồ ngày càng phát triển./.

Hà Khải