Thanh Hóa: Người dân bất lực khi cây trồng “chủ lực” chưa tìm được hướng đi

Những năm trước đây, cây gai xanh từng được kỳ vọng là loại cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các huyện trung du và miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm khi gai cho thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã phải chặt bỏ vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
cay-thoat-ngheo-1702906608.png
Người dân chia sẻ những khó khăn vướng mắc về cây gai xanh.

Cây thoát nghèo bền vững

Gai xanh là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp nhiều loại đất, trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm. Xác định cây gai xanh có tiềm năng, dư địa phát triển, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp các địa phương và Công ty Cổ phần Nông Nghiệp An Phước tổ chức phát triển vùng gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26-4-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023. Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh.

Bên cạnh đó, Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) được đầu tư, đi vào hoạt động khá hiệu quả đã và đang đồng hành cùng người dân liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho người trồng cây gai xanh. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất gai xanh với quy mô khá lớn và mang lại hiệu quả tương đối cao.

Từ những chính sách ưu đãi nêu trên, đề án trồng gai xanh được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, diện tích trồng gai xanh tại các huyện ở miền núi Thanh Hóa không ngừng được tăng lên. Sau hơn 2 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh bắt đầu cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế rõ rệt. Từ đó hộ dân đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng gai, xem đây là cây thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo từ Chi Cục trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh là hơn 930ha tại 18 huyện.

Bà Bùi Thị Thảo, trú tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Trước đây chúng tôi đa số trồng ngô, trồng mía, công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp. Sau khi nghe chính quyền, ban ngành tuyên truyền về việc trồng gai xanh, người dân chúng tôi rất hưởng ứng, vì cây gai công chăm sóc ít, hiệu quả lại cao hơn so với cây trồng khác”.

Vỡ mộng gai xanh

Sau khi những vườn gai đã xanh tươi tốt, đến tuổi khai thác, thì người dân lại chặt phá không thương tiếc. Điều đáng nói, đây là cây trồng được kỳ vọng giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, khi đầu ra cho sản phẩm bế tắc, trong khi kinh tế ngày càng khó khăn dẫn đến hàng trăm héc ta gai xanh bị chặt hạ để chuyển sang trồng cây khác.

Ông Bùi Văn Tấn xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy) bức xúc cho biết: “Chúng tôi rất kỳ vọng kinh tế sẽ khá khẩm khi trồng cây gai xanh. Nhưng khi cây đến lúc thu hoạch thì nhà máy lại không mua, trong khi người dân vẫn cần cái ăn hằng ngày để sống chứ không thể cầm hơi chờ cơ chế được, nên chúng tôi chặt để trồng cây ngô, cây khoai, tuy năng xuất thấp nhưng vẫn có cái ăn”.

Theo tìm hiểu, huyện Cẩm Thủy được xem là thủ phủ của cây gai xanh, toàn huyện có hơn 400ha. Do không có nguồn tiêu thụ, nên từ đầu năm đến nay, đã có hơn 219ha gai bị phá bỏ.

Tại một số huyện, theo thống kê, số diện tích trồng gai bị phá bỏ đã hơn một nửa như huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước... Đặc biệt, huyện Yên Định có tổng diện tích 10,2ha đã phá bỏ hoàn toàn. Huyện Thạch Thành phá bỏ 78,3ha/108,9ha; huyện Lang Chánh có hơn 60ha nay cũng chỉ còn lại một vài hecta.

Nguyên nhân dẫn đến việc người dân quay lưng lại với cây trồng “vượt khó” là do từ tháng 8/2022, việc thu mua sản phẩm sợi gai của Nhà máy dệt An Phước gặp nhiều khó khăn, hàng bị tồn, nhiều thị trường đóng cửa nên việc thanh toán kinh phí mua sợi gai bị chậm. Ngoài ra, việc thu hoạch và sơ chế gai tại nông hộ rất phức tạp, cần thực hiện nhanh và tốn rất nhiều công lao động, trong khi lao động nông thôn tại địa phương ngày càng thiếu. Từ đó đã ảnh hưởng đến tâm lý thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.

Trước vấn đề "nóng" trên, chiều ngày 13/12 tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa trong phần phát biểu thảo luận đã cho biết, từ tháng 11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Tập đoàn An Phước và 18 huyện vùng nguyên liệu; với 5 văn bản chỉ đạo, 3 báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về giải pháp cây gai xanh, trong đó không mở rộng diện tích, ổn định thị trường tập trung thâm canh, đề nghị Công ty thanh toán nợ tiền nguyên liệu.

Đến nay, Công ty đã thanh toán hết nợ cho người trồng gai và có Văn bản gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện thông báo việc tái cấu trúc đã xong. Hiện, Tập đoàn An Phước tiếp tục thu mua và đề xuất mở rộng vùng nguyên liệu năm 2024.

Ông Cường cũng thẳng thắn chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp đó là chưa có sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để quảng bá giới thiệu và cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng bảo quản, chế biến nông sản còn thấp so với vùng nguyên liệu hiện có của tỉnh. Sản phẩm chế biến đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao. Liên kết trong sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều.

Hà Văn Khải