Thanh Hóa: Tập trung khắc phục điểm “nghẽn” vốn đầu tư công

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công có tỷ lệ cao hơn so với trung bình của cả nước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 chỉ đạt có 45% so với kế hoạch, thấp hơn vốn giải ngân năm 2023 là 70,5% kế hoạch.
hdnd-1702688736.jpg
Giải ngân vốn đầu tư công luôn là vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm

Giải ngân thấp so với các năm, nhưng cao so với cả nước

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của Thanh Hóa được Trung ương giao là 14.924,3 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh cơ bản đã giao hết cho các chương trình dự án. Kết quả giải ngân tính đến ngày 5/12, đã giải ngân được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70% kế hoạch và cao hơn 1,1% so với cùng kỳ. So với cả nước, Thanh Hóa cao hơn 7,03%. Các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân nhanh đó là chi đầu tư xây dựng cơ bản nguồn tập trung trong nước là 82,9%; vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đã giải ngân đạt 80,4%.

Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, Thanh Hóa được Chính phủ giao thực hiện 5 dự án tổ chức phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với số vốn là 937 tỷ đồng. Đến ngày 5/12, các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ giải ngân được 285,6 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của 5 dự án này đến hết 2023 khả năng chỉ đạt được là 598 tỷ đồng, bằng 63,8% kế hoạch. Số vốn còn lại không có khả năng giải ngân hết trong năm 2023 là 338,9 tỷ đồng.

Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 70 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức trung bình, 21 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình, 3 chủ đầu tư chưa giải ngân. Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh giải ngân đạt 46,2% kế hoạch; UBND cấp huyện đạt 65,7% kế hoạch; UBND cấp xã đạt 69,9% kế hoạch; các đơn vị khác giải ngân đạt 82,9% kế hoạch.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 là 1.826 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn 2023 là 1.279 tỷ đồng và vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang thực hiện năm 2023 là 528 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/12, số vốn giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 993 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch vốn được giao.

Nhìn tổng quan, tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công có tỷ lệ cao hơn so với trung bình của cả nước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 chỉ đạt có 45% so với kế hoạch, thấp hơn vốn giải ngân năm 2023 là 70,5% kế hoạch.

Trách nhiệm không của riêng ai

Liên quan đến vấn đề tập trung tháo gỡ điểm “nghẽn” vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định: UBND tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành đó là “Trách nhiệm, nỗ lực, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả; tạo chuyển biến thực sự rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn”. Trong đó, trọng tâm sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; khẩn trương lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng, nhất là trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các đô thị lớn, các khu vực phát triển nhanh, dọc các tuyến giao thông lớn; rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch.

Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn thuộc thẩm quyền của tỉnh như thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, GPMB, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý tài sản công, tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Về đầu tư, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (DA) đầu tư công; sớm phân bổ, giao kế hoạch chi tiết nguồn vốn đầu tư công năm 2024; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB, vật liệu san lấp, giá vật liệu xây dựng; đẩy nhanh việc đầu tư các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; rà soát; điều chỉnh vốn của các dự án thực hiện chậm sang các dự án thực hiện nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt; đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công thành căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA đầu tư ngoài ngân sách, các DA đầu tư hạ tầng KCN, CCN, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; kiên quyết chấm dứt, thu hồi các DA chậm tiến độ, dành quỹ đất cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự; sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024; tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, có tính đột phá, kết nối các vùng, cao tốc Bắc - Nam với các trung tâm kinh tế, KCN; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan tại các đô thị động lực như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, TX Nghi Sơn, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng.

Về tiêu dùng, phối hợp với các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại, kích cầu mua sắm; hỗ trợ DN tiết giảm chi phí, kết nối cung - cầu. Về xuất khẩu, hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn; thu hút đầu tư, hình thành trung tâm logistics cấp vùng hạng 1 tại KKT Nghi Sơn; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA để xuất khẩu nông sản, hàng may mặc, giầy da, xi măng.

Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 ở mức cao nhất; sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực cho đầu tư và các nhiệm vụ cấp bách.

Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”; duy trì các chỉ số thành phần cao, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần thấp trong bộ chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS; phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo, PCI của tỉnh đứng trong top 20 cả nước; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, giữ vững kết quả giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; giải quyết tốt tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đối với người có công và các chính sách dân tộc, tôn giáo.

Ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Nhiệm vụ trong năm 2024 là hết sức nặng nề và có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Hà Khải