Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2023-2026

Chính phủ Thái Lan đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên tới 4,2% trong khuôn khổ chính sách tài khóa trung hạn cho giai đoạn 2023-2026 và có kế hoạch duy trì thâm hụt ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế còn mong manh.

Theo Phó phát ngôn viên Chính phủ Rachada Dhnadirek, khuôn khổ được Nội các Thái Lan thông qua hôm 21/12 nhằm mục tiêu tăng trưởng 3,2-4,2% vào năm 2023, 2,9-3,9% vào năm 2024 và 2,8 -3,8% vào năm 2025 và 2026.

Doanh thu thuần của nhà nước cho giai đoạn 2023-2026 được dự báo lần lượt là 2.490 tỷ baht, 2.560 tỷ baht, 2.640 tỷ baht và 2.720 tỷ baht. Ngân sách chi tiêu ước tính là 3.190 tỷ baht vào năm 2023, 3.270 tỷ baht vào năm 2024, 3.360 tỷ baht vào năm 2025 và 3.460 tỷ vào năm 2026.

Bà Rachada cho biết Chính phủ cần tiếp tục duy trì thâm hụt ngân sách từ năm 2023-2026 để kích thích sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chính phủ cũng cần phải dựa vào việc vay mượn để phục hồi kinh tế và xã hội.

Bà Rachada trích dẫn một báo cáo của Bộ Tài chính trình lên Nội các về nguy cơ tiếp tục bùng phát COVID-19 vào năm 2022, có thể dẫn đến các biện pháp mới của Chính phủ để đối phó với các đợt lây nhiễm mới và bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bà Rachada cho biết Chính phủ cũng cần chuẩn bị cho những rủi ro do các xu hướng lớn trên toàn cầu gây ra như biến đổi khí hậu và xã hội lão hóa, điều có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thu ngân sách của nhà nước và gánh nặng tài khóa.

Tuy nhiên, bà Rachada nói rằng Chính phủ cam kết tuân thủ kỷ luật tài khóa trong khi tìm cách tăng thu ngân sách của nhà nước. Theo khuôn khổ cho giai đoạn 2023-2026, mức thâm hụt dự kiến là 695 tỷ baht vào năm 2023, 710 tỷ baht vào năm 2024, 723 tỷ baht vào năm 2025 và 736 tỷ baht vào năm 2026. Khung này có thể được sửa đổi định kỳ để đảm bảo phù hợp với môi trường kinh tế.

bangkok-0707-1640236262.jpeg
Một con phố ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AP).

Trước đó, khuôn khổ cho giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu tăng trưởng 3-4% vào năm 2022, 2,7-3,7% vào năm 2023 và 2,9-3,9% vào năm 2024.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã hạ dự báo tăng trưởng GPD cho năm 2022, đồng thời cắt giảm dự báo về khách du lịch quốc tế tới "xứ sở chùa Vàng" cho năm tới do tác động của biến thể Omicron và các biện pháp của Chính phủ khôi phục việc cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh.

Thư ký Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoT Piti Disyatat cho biết cuộc họp của MPC hôm 22/12 đã đánh giá tác động của đợt bùng phát biến thể Omicron đối với nền kinh tế vào đầu năm 2022. Tác động có thể nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn dự kiến do những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát và mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp ngăn chặn tương ứng.

BoT đã hạ thấp triển vọng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan cho năm 2022 từ 6 triệu lượt xuống 5,6 triệu lượt. Ông Piti cho biết các biện pháp tạm thời mới nhất của Chính phủ nhằm hạn chế du lịch nước ngoài sẽ không có tác động tiêu cực đến lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan trong năm tới, đặc biệt là trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, nếu Chính phủ thực hiện các biện pháp ngăn chặn trong nửa cuối năm, điều đó sẽ có tác động lớn hơn đến du khách từ nước ngoài.

MPC cho rằng sự lây lan của biến thể Omicron là yếu tố rủi ro chính đối với triển vọng kinh tế. Ủy ban đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan cho năm 2021 từ 0,7% lên 0,9%, phù hợp với dữ liệu xác nhận xu hướng phục hồi. Nhưng MPC cắt giảm triển vọng tăng trưởng GDP cho năm 2022 từ 3,9% xuống 3,4% và dự báo tốc độ tăng trưởng 4,7% cho năm 2023.

Ông Piti cho biết BoT hy vọng nền kinh tế Thái Lan sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023. Song thị trường lao động cần được theo dõi, đặc biệt là việc làm và thu nhập vẫn còn ở dưới mức trước đại dịch. Lạm phát dự kiến sẽ vẫn nằm trong mục tiêu của BoT trong trung hạn, với lạm phát toàn phần dự kiến là 1,2% vào năm 2021, 1,7% vào năm 2022 và 1,4% vào năm 2023./.