Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào năm 2023 sẽ chậm lại?

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đang phục hồi mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực. Trạng thái dịch chuyển ngược với xu hướng toàn cầu cho thấy sức chống chịu đáng kể của kinh tế Việt Nam, nhưng cũng cho thấy các thách thức và rủi ro kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Tăng trưởng GDP quý 3/2022 vượt mọi dự báo, ước tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm).

Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024. Đây là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội sáng 22/11 với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”.

Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF-MPI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức, nhằm phân tích và đánh giá quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng và phát triển trong năm tới.

Bà Ramla Al Khalidi – Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải chú ý sát sao đến điều kiện bên ngoài cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa kịp thời khi có những diễn tiến mới trong tình hình toàn cầu. Chúng ta cũng có cả những rủi ro trong nước, đặc biệt là trong thị trường trái phiếu ngành ngân hàng; còn có tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.

Đồng thuận quan điểm này, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào nhận định, tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ gặp những rủi ro chủ yếu đến từ bên ngoài: cuộc chiến ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng, đồng đô la mạnh lên, và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu… ảnh hưởng đến nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam và gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô. Để đối phó với những thách thức này, chính sách kinh tế Việt Nam cần được tính toán cẩn trọng và truyền thông hợp lý để quản lý những rủi ro tiêu cực. Quan trọng nhất vẫn là ổn định vĩ mô, giảm áp lực lạm phát.​

viet-nam-han-quoc20221101110953-1669108294.jpg
Ảnh minh họa.

Đó không chỉ là nhận định của các chuyên gia quốc tế, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.

Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hai kịch bản: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 6-6,2% năm 2023 nếu các yếu tố rủi ro gia tăng; Kịch bản 2, khả quan hơn, GDP 2023 đạt mức 6,5-6,7% khi bối cảnh kinh tế quốc tế thuận lợi hơn.

“Rút kinh nghiệm từ năm 2022 trong điều hành về giá xăng dầu cũng như cung về xăng dầu. Chúng tôi phân tích thì cho thấy rằng giá xăng dầu đóng góp khoảng trên 50% trong lạm phát của Việt Nam. Một điểm thứ hai là chúng ta cũng kỳ vọng dần đầu tư công sẽ được thực hiện giải ngân một cách rốt ráo hơn và nó vẫn là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2023. Chúng ta cần phải tính đến những rủi ro từ bên ngoài, đặc biệt là rủi ro về cầu xuất khẩu có thể giảm xuống do thu nhập của người dân ở các thị trường bên ngoài giảm đi. Khi nền kinh tế Việt Nam với độ mở như hiện nay thì đây là yếu tố cần phải chú ý trong thời gian tới” - TS. Trần Toàn Thắng khuyến nghị.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lưu ý: “Năm tới, khả năng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm tới khoảng 2,3 - 2,5%. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng sẽ giảm dần mức độ và tốc độ. Với Việt Nam, năm tới khó khăn, thách thức rất nhiều, tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát sẽ cao hơn. Xuất khẩu, đầu tư sẽ bị tác động”.

Thực tế, Quốc hội, Chính phủ, cũng đã nhận diện những thuận lợi và thách thức các chuyên gia vừa nêu nên đã đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP 2023 ở mức 6,5%. Các chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu tăng trưởng thận trọng, đòi hỏi tiếp tục có những chính sách linh hoạt, phù hợp để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, ổn định từ bên trong sẽ là động lực mạnh mẽ để Việt Nam vững vàng bước qua những thách thức, rủi ro, bất định từ bên ngoài.

Thi Nguyên (t/h)