Quảng cáo #128

Tăng thuế với bia: Cần có một phương án để đạt được các mục tiêu tăng thu ngân sách, mà vẫn tăng trưởng kinh tế

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Công Thương); Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam và nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.
hoi-thao-dnktx2-1732595417.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) chia sẻ ngành bia và đồ uống đóng góp lớn vào thu NSNN, với trung bình khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Cần phương án hài hòa để đạt được các mục tiêu

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành bia và đồ uống nói chung có vai trò quan trọng khi đóng góp lớn vào thu NSNN, với trung bình khoảng gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm, sản lượng đủ cho xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam (VBA), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức người dân, cũng như đóng góp cho ngân sách. Vì vậy, công tác đánh giá tác động của việc tăng thuế có vai trò rất quan trọng để từ đó đi đến một phương án phù hợp, bảo đảm các mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025).

Tại Tờ trình, cơ quan soạn thảo trình bày việc tăng thuế nhằm hướng đến các mục tiêu, bao gồm: Giảm tỷ lệ sử dụng bia; phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình quan điểm cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành hàng, trong đó có ngành bia là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia cần một phương án hài hòa để đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách mà vẫn bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

hoi-thao-dnktx-1732595452.jpg
Hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, các chuyên gia  đánh giá cao về cách đặt vấn đề cũng như tiếp cận vấn đề rõ ràng của đề tài.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia sẽ tác động đến 22 ngành

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất: Phương án 1, tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%.

Phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 100%.

Ngoài 2 phương án trên, tháng 7/2024, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát (VBA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm tăng 1 lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia đã đưa ra một số kết quả đo lường tác động kinh tế của các phương án tăng thuế. Trong đó nêu rõ, cả 3 phương án trên đều ảnh hưởng làm suy giảm giá trị tăng thêm (VA) của ngành bia, tác động đến tăng trưởng GDP.

Đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia sẽ tác động đến 22 ngành (bao gồm cả ngành bia) trong quan hệ liên kết ngành và tới các nhân tố của giá trị tăng thêm. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia theo báo cáo cũng làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế.

Các ý kiến đánh giá cao về cách đặt vấn đề cũng như tiếp cận vấn đề rõ ràng của đề tài. Đồng tình với quan điểm cần phải điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và tăng thu ngân sách, tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, cần có một phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hài hòa để đạt được các mục tiêu tăng thu ngân sách, mà vẫn bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng và hỗ trợ ổn định cho môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế./.

Trần Minh