Tang ma xanh ở Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) dưới tác động của Phật giáo (phần III)

Trong “Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2021” của UBND xã Yên Sở nêu rõ, hàng năm có trên 75% di hài người quá cố trên địa bàn được đưa đi hỏa táng.
5618-nguyen-ba-ngoc-zing4866-1658042450.jpg
Ảnh minh họa

Hỏa táng - nghi thức được lựa chọn khi thực hành tang lễ

Điều này chứng tỏ nghi thức an táng của nhân dân Yên Sở không còn thực hiện theo phong tục truyền thống là địa táng nữa, thay vào đó việc hỏa táng trở thành thông lệ.

Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ sự vận động thực hiện tang lễ văn minh của chính quyền xã theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa mới. Bên cạnh việc lãnh đạo địa phương tiên phong thực hiện hỏa táng, chính quyền xã còn hỗ trợ người dân số tiền 3 triệu đồng cho một đám tang, ưu tiên giải quyết các thủ tục khai tử để khuyến khích, hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ thổ táng sang hỏa táng.

Theo bà Hiệu - thành viên đạo tràng chùa Ngọc Tân, “80% số người chết ở đây được hỏa táng vì nhân dân đã nhận thức được tiện lợi của hỏa táng so với thổ táng, đảm bảo vệ sinh, nhanh gọn”. Quan niệm đó kết hợp với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền xã đã khiến số lượng gia đình lựa chọn hỏa táng ngày càng tăng. Yên Sở hiện đứng đầu huyện Hoài Đức về thực hiện tang lễ văn minh.

Tang ma là một công việc quan trọng, thuộc về văn hóa tinh thần của người Việt, nên nó sẽ không thể thay đổi khi chỉ có sự hỗ trợ về vật chất mà thiếu đi một chỗ dựa về mặt tâm linh. Trong khảo sát thực tế, chúng tôi biết cả hai chùa đều tham gia phối hợp với chính quyền tuyên truyền vận động người dân.

Nhà chùa đã góp phần tích cực giải thích cho người dân biết, hỏa táng là nghi thức được Phật giáo lựa chọn theo phong tục sẵn có của người Ấn thời cổ (giống như người Việt chọn địa táng), mang ý nghĩa triết lý nhắc nhở rằng khi chết rồi thì đừng nên luyến tiếc gì nữa, vì họ tin tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất với lực đã khai sáng ra nó. Bản thân đức Phật xưa khi nhập Niết Bàn cũng được hỏa táng.

Thực hiện hỏa táng là lựa chọn cách thức của đức Phật. Chính điều này đã trở thành sự đảm bảo tâm linh cần thiết để người dân Yên Sở chấp thuận việc thay đổi nghi thức an táng truyền thống.

Nguyên nhân của sự biến đổi

Những biến đổi trong tang thức của người dân Yên Sở rất rõ nét: biến đổi trên quy mô rộng (gần như toàn xã), số lượng người dân thực hiện đông và là sự chấp thuận tự nguyện. Yếu tố Phật giáo xuất hiện đậm đặc trong phong tục tang ma của người dân Yên Sở khiến cho diện mạo phong tục nơi đây biến đổi rất nhiều so với truyền thống của người Việt, trong đó đã phản ảnh sự thay đổi tư duy, suy nghĩ của họ.

Dưới sự thọ giáo của các sư thầy, tư tưởng siêu thoát khi chết để về với đức Phật ở cõi Niết Bàn trở thành nội dung quan trọng nhất được tiếp nhận, trở thành mong muốn lớn lao của các cụ cao niên trong làng. Không còn là quan niệm truyền thống: chết về với ông bà tổ tiên, các cụ giờ mong muốn khi nhắm mắt, xuôi tay sẽ được về với đức Phật.

Rõ ràng, tư tưởng Phật giáo đã tác động đến suy tư, mong muốn của những người sắp phải đối diện với cái chết, khiến họ cố gắng thực hiện các biện pháp để đạt được ước muốn. Không khóc, trợ niệm, thay quả trứng bằng củ khoai tây hay hỏa táng…, suy cho cùng cũng là những cách thức cuối cùng cần thực hiện để giúp người mất có thể đến được với cõi Phật.

Ở Yên Sở, Phật giáo vừa độc lập tác động trực tiếp, vừa hỗ trợ cho chính sách để định hình phong tục tang ma của người dân. Phong tục, tập quán là một bộ phận của văn hóa. Sự biến đổi của phong tục đã tạo nên sự biến đổi văn hóa ở Yên Sở, phác dựng một nét biến đổi thú vị trong bức tranh biến đổi văn hóa nói chung và biến đổi văn hóa làng quê ở Việt Nam hiện nay nói riêng. Sự biến đổi theo hướng xanh, sạch đang làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng.

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa Phật giáo và các vấn đề văn hóa xã hội không phải là ít, nhưng nhìn nhận Phật giáo với tư cách là chủ thể tạo ra những biến đổi văn hóa (thông qua việc làm biến đổi các thành tố của văn hóa) là một hướng tiếp cận mới, hoàn toàn có thể khám phá được nhiều chiều cạnh mới mẻ trong văn hóa Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, việc áp dụng các lý thuyết nghiên cứu hiện đại sẽ giúp vấn đề không bị nhàm chán, mờ lẫn giữa các công trình đồ sộ đã được thực hiện về văn hóa Việt./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Tất Đạt (2008), Tang thức người Việt theo Công giáo, Phật giáo và theo phong tục, tín ngưỡng truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11, H.

2. Bùi Xuân Đính (2008), Hành trình về làng Việt cổ truyền, T1. Các làng quê xứ Đoài, Nxb Từ điển Bách Khoa, H.

3. Nguyễn Thị Phương Châm (2009), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin, H.

4. Nguyễn Bá Hân (2005), Kẻ Giá: Tên đất tên người, Nxb Lao động, H.

5. Thích Nguyên Tạng (2001), Chết và tái sinh, Tu viện Quảng Đức ấn hành.

6. Trần Thị Hồng Yến (2012), Những biến đổi về xã hội và văn hóa ở những làng quê chuyển từ xã sang phường tại Hà Nội, Luận án tiến sĩ Nhân học, Học viện KHXH Việt Nam, H.

7.http://nguoiphattu.com/nghi-le/nghi-le-tong-hop/6034-tang-le-theo-nghi-thuc-phat-giao.html

8. http://hoiquanadida.com/ho-niem/hoi-dap-ho-niem-khi-lam-chung.htm

Lâm Thị Thanh Xuân