Tang ma xanh ở Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) dưới tác động của Phật giáo (phần II)

Tang ma là hình thức đưa tiễn người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang của người Việt mang tính chất của một cuộc đưa tiễn, thể hiện sự xót thương quyến luyến đẫm nước mắt của người sống với người chết.
2258-lam-gi-de-viec-ho-tro-hoa-tang-phat-huy-hieu-qua-11-105936-1658042123.jpg
Ảnh minh họa

Thực hành tang ma không tiếng khóc

Tục khóc than từ khi người mất trút hơi thở cuối cùng cho đến khi hạ huyệt khiến cho đám tang trở nên đau thương, ai oán, tạo nên một cảnh tượng bi ai khiến tất thảy mọi người đến dự đều không thể cầm lòng. Với người dân Bắc Bộ, hầu như đám tang nào cũng có tiếng khóc. Thậm chí nếu người nhà không khóc được, sẽ có một đội khóc thuê lo liệu việc này.

Tuy nhiên, với người dân Yên Sở, tâm lý chung trong các đám tang có tính truyền thống nay không còn nguyên vẹn nữa. Kết quả khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, hầu hết các gia đình ở làng không gào khóc khi người thân qua đời, hoặc tránh đi nơi khác để khóc chứ không khóc bên cạnh người mất.

Tuy không tránh khỏi sự rối loạn thường tình nhưng bao trùm chung là không khí khẩn trương lo liệu công việc và tiếng tụng kinh niệm Phật của tăng ni, cư sĩ và các vãi nhà chùa tại gia quyến. Khi được hỏi về hiện tượng này, bà Hiệu - vãi trưởng đạo tràng chùa Ngọc Tân, cho biết: “Ở đây chúng tôi ít khóc để cho người chết không bị giằng xé, dễ siêu thoát”.

Rất nhiều người ở làng Yên Sở khi được hỏi về lý do tại sao không khóc trong đám tang, họ đều cho rằng, để người mất có thể ra đi thanh thản, không bị níu kéo bởi người thân. Do đó, không khí tang lễ ở Yên Sở không ai oán như các nơi khác, ngay cả với các làng thuộc các xã lân cận cũng bị ảnh hưởng.

Trợ niệm cho người mất, sử dụng bát cơm - củ khoai tây trong mâm lễ cúng

Trợ niệm chính là việc tụng kinh A Di Đà, niệm Phật A Di Đà cho người sắp mất từ lúc họ bắt đầu yếu dần và tiên lượng sẽ ra đi trong khoảng vài tiếng sắp tới. Việc trợ niệm có thể diễn ra nhiều giờ đồng hồ trước khi người đó ra đi. Sau khi người mất tắt thở, việc tụng kinh niệm Phật vẫn tiếp tục diễn ra từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ.

Phần đông các đám tang có sự tham gia của Phật giáo thường chỉ có phần tụng kinh cầu siêu cho người mất, nhưng ở Yên Sở, nghi thức này đã và đang được nhiều gia đình thực hiện khi có tang sự. Theo lời Cư sĩ Giác Chiếu ở chùa Pháp Vũ, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 10 đám tang của các cụ trong làng nhờ cư sĩ và các vãi trong đạo tràng đến trợ niệm.

Sau khi người mất tắt thở, theo phong tục thường thấy, người nhà sẽ nhanh chóng thực hiện việc tắm gội, thay quần áo cho người mất. Nhưng với các gia đình thực hiện nghi thức trợ niệm ở Yên Sở thì trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tiếng sau khi người thân mất, người nhà hoàn toàn không động vào hay đến quá gần thi hài.

Mọi nghi thức khác chỉ được diễn ra sau thời gian đó. Việc làm này bị không ít người phản đối bởi thông thường sau khi chết, cơ thể con người sẽ lạnh và nhanh bị cứng lại, nếu không khẩn trương thực hiện các nghi thức theo truyền thống thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc hậu sự. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong các đám tang có trợ niệm tại Yên Sở đã khiến nhiều người bất ngờ, rồi từ không tin chuyển thành tin khi được chứng kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Đường (thôn 3 Yên Sở) - vãi trưởng đạo tràng Tịnh Độ tông chùa Pháp Vũ cho biết: những cụ được trợ niệm trước khi qua đời cơ thể không hề bị cứng mà trái lại vẫn mềm và ấm như người còn sống, khuôn mặt hồng hào, thần sắc tươi tỉnh như người đang ngủ, cảm giác rất nhẹ nhàng. Là những người đích thân đi trợ niệm cùng sư thầy, bản thân các thành viên trong đạo tràng lần đầu tiên chứng kiến cũng rất kinh ngạc với điều này.

Cùng với trợ niệm, hơn 10 đám tang này ở Yên Sở cũng tiến hành thay biểu tượng bát cơm - quả trứng trong mâm cơm cúng người mất theo truyền thống bằng bát cơm - củ khoa tây. Sở dĩ như vậy là vì họ quan niệm, theo Phật thì ăn chay, quả trứng là đồ mặn, đã cúng chay là phải chay hoàn toàn.

Đồng thời, cư sĩ Giác Chiếu còn cho biết thêm: gia đình cụ bà Dậu ở đội 1, cụ Sâm và cụ Lưu ở đội 4, cụ Năm - vãi phó của chùa Pháp Vũ là những gia đình đã thực hiện khá đầy đủ những nghi lễ theo quan điểm nhà Phật khi tổ chức tang sự: trợ niệm từ trước khi mất đến sau khi mất 12 tiếng, thay bát cơm quả trứng bằng bát cơm củ khoai tây, không kèn trống, không than khóc, cúng cơm chay hoàn toàn suốt 49 ngày.

Người dân Yên Sở không gọi những đám tang thực hiện như vậy là đám ma mà gọi là đám Phật. Bởi theo họ, nếu gọi là đám ma tức là khi còn sống đã mặc định người đó chết đi sẽ làm ma, còn gọi là đám Phật bởi người chết luôn ý thức và mong muốn sau khi chết sẽ được về với đức Phật./

Lâm Thị Thanh Xuân