Rủ lên Đá trắng ăn Xoài…

“Rủ lên Đá Trắng ăn xoài/Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”
chua-datrang-1645502213.jpg
Chùa Đá Trắng (Chùa Từ Quang, Bạch Thạch Từ Quang Tự) là ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Xin được nói ngay Đá Trắng ở đây là chùa Đá Trắng, còn có tên là chùa Từ Quang, hay Bạch Thạch Từ Quang Tự. Đây là một ngôi chùa cổ ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa tọa lạc trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng.

Chùa Đá Trắng là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Phú Yên có giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử và đời sống xã hội. Chùa Đá Trắng còn là căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa, là điểm tụ hội của văn thân yêu nước Phú Yên.

Còn Thiên Thai là tên gọi tắt của Sơn Thạch Thiên Thai Tự, chùa tọa lạc tại thôn Long Phước, xã Xuân Lâm, Thị xã Sông Cầu. Chùa có thêm chữ Sơn Thạch là vì nơi đây, ngày xưa dân trong vùng gọi là “xứ đá bàn”. Từ đường tránh Quốc lộ, theo con đường làng về phía tây là đến chùa. Hai bên đường làng là đồng ruộng xanh mướt, làng mạc thôn xóm bình yên, gợi chúng ta nhớ đến câu thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong bài Chiều vãn thiên trường:

“Thôn trước, thôn sau tựa khói lồng/Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng vẳng sáo trâu về hết/Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng…”

Trở lại câu chuyện rủ lên Đá Trắng ăn xoài. Sao lại lên? Như nói ở trên, chùa Đá Trắng nằm trên một triền đồi, nên muốn đến chùa, từ Quốc lộ du khách phải đi bộ lên chừng hơn 100 mét mới đến tam quan, vào chùa. Con đường ngắn, dốc, được lót bằng những tảng đá màu nâu xám, hai bên tỏa hương đậu xanh, đậu đỏ thơm ngát, tiếng con cu đất gáy trên đọt xoài như thôi thúc, như níu chân lữ khách trên con đường nối Đạo với Đời.

Hàng trăm năm qua, không biết bao nhiêu bước chân Phật tử gần xa, tao nhân mặc khách đã đi qua con đường này, đến mức, nhiều tảng đá đã lõm xuống qua thời gian cùng mưa nắng. Tiếc rằng, đó chỉ là hình ảnh của những thập niên trước. Giờ con đường vẫn còn đó nhưng ngắn hơn, ít người qua lại, nhiều lá vàng rơi…Thay vào đó là một con đường bê tông ô tô đi được, đến gần tận cổng chùa!

Cùng với lụa Ngân Sơn, thì xoài Đá Trắng là 2 phẩm vật tiến cung của Phú Yên dưới thời Nguyễn. Lụa được sản xuất tại Phường Lụa thuộc phủ Tuy An, nay thuộc khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh và vùng 9 Xã An Định. Đường liên xã từ phía nam cầu Ngân Sơn đi ngược lên hướng tây bắc thì đến vùng 9 xã An Định. Đây là nơi nguyên liệu bông vải được trồng nhiều tại khu soi giữa xã An Định và xóm Đùi, thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thường mặc gấm Phường Lụa do một người thợ tên Xuân dệt. Cảm thấy hài lòng, nhà vua lệnh truyền xuất kho đóng cho ông Xuân một khung dệt, đồng thời ban tặng tấm biển “Hoàng hậu ân tứ” treo trước khung dệt. Khung dệt này chỉ dùng dệt gấm cho nhà vua, không được dùng dệt gấm cho khách hàng. Nhà vua còn phong cho ông Xuân tước cửu phẩm và một huy chương vàng. Huy chương của ông để lại cho con ông là ông Tôm. Vào năm 1947, kinh tế gia đình quá khó khăn, ông đành đem bảo vật của thân phụ bán lấy tiền tiêu, giá trị bằng 5 chỉ vàng y.

Xoài Đá Trắng, lụa Ngân Sơn tại sao được chọn để tiến cung và tiến cung dưới thời vua Triều Nguyễn nào? Xin được nhắc lại: phong trào Cần Vương ở Phú Yên diễn ra ở nhiều địa phương. Hưởng ứng phong trào này, một số quan lại đã từ quan lui về ở ẩn, hoặc xuất gia và trở thành các bậc chân tu. Chùa Từ Quang Đá Trắng chính là một trong những nơi các thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Phú Yên - Bình Định tụ về luyện binh, khởi nghiệp. Nhiều ngôi chùa ở Phú Yên được vua Thành Thái ban sắc tứ cũng chính là lý do này.

Sau năm 1975, xoài ở chùa Từ Quang được Hợp tác xã Nông nghiệp Đông An Dân quản lý. HTX phân công người trực, bảo vệ. Bởi xoài Đá Trắng là một sản vật đặc biệt của vùng đất Tuy An, vị ngọt của nó khác lạ với vị ngọt của những giống xoài khác. Theo những người quản lý ở HTX này, xoài Đá Trắng có vị ngọt thanh, da mỏng và sớ thịt của nó thơm ngon vì cây xoài trồng trên vùng triền dốc, có mạch nước hến đặc thù (nước hến là nước chảy ra từ các suối đá, có màu trắng đục như nước khi luộc con hến).

chua-datrang-1-1645502307.jpg
Hằng năm, vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch, chùa Đá Trắng tổ chức lễ hội thu hút đông đảo bà con Phật tử khắp nơi về đây tham dự với mong ước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn người bình an hạnh phúc 

Nhiều truyền tụng rằng xoài Đá Trắng rất ngon, nhưng ngon như thế nào chắc nhiều người không biết. Vì đâu phải ai cũng được thưởng thức giống xoài này đâu. Trước nguy cơ nhiều cây xoài ở chùa Đá Trắng đang già cõi, có thể chết, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên tiến hành nhân giống giống xoài này nhưng kết quả chưa mỹ mãn.

Cách hái xoài Đá Trắng cũng khá đặc biệt. Khi trái xoài ướm vàng, người hái dùng chiếc rọ đan bằng nan tre, gắn vào một chiếc sào tre để khi hái không làm xoài bị nhập thổ, nghĩa là rơi xuống đất. Hái xuống, họ bỏ xoài vào giỏ tre, cứ lót một lớp rạ là một lớp xoài, trên cùng nhất được phủ một lớp rạ nữa.

Xoài Đá Trắng khi chín có màu vàng rất đặc trưng. Khi hái xoài Đá Trắng tiến cung, nhà chùa cũng dùng cách hái như trên, cốt làm sao giữ được màu vàng đặc trưng của xoài và không để xoài bị dập trong quá trình vận chuyển. Xoài tiến vua được lựa chọn rất cẩn thận, phải là những trái u nú, vàng ươm, không một dấu vết bầm đen do côn trùng châm chích hay va đập. Xoài được xếp vào từng chiếc giỏ tre, có lót và ủ rơm rạ, vận chuyển bằng ngựa thồ.

Lịch sử Phật giáo Phú Yên ghi chép, xoài Đá Trắng do đệ tử của Tổ Pháp Chuyên - Luật Truyền trồng, lấy giống xoài từ chùa Pháp Lâm, Quảng Nam. Nhiều nguồn tư liệu khác cho rằng xoài Đá Trắng đã được trồng trước khi Tổ Pháp Chuyên - Luật Truyền đến nơi này.

Khi Vua Gia Long kinh lý, ghé lại chùa Từ Quang, thưởng ngoạn thấy xoài ngon, liền truyền tiến cung. Cũng có nguồn tư liệu cho rằng khi quan Bố Chánh ghé lại chùa Từ Quang vào mùa xoài chín, khi ăn thấy ngon, liền ra lệnh hái vài sọt dâng lên vua. Rồi chuyện quan Tri huyện Tuy An bị đức vua quở phạt, nếu không tiến cung đủ 1.000 - 2.000 quả xoài, nếu không giao binh lính canh chừng, đuổi chim quạ không cho chúng ăn xoài v.v.v.

Giờ đây, những cây xoài Đá Trắng đã già cỗi, ít trái, hiếm hoi lắm mới được thưởng thức hương vị đặc biệt của giống xoài này. Khác ngày xưa, đến mùa, hoa xoài nở trắng cả triền núi Bạch Thạch, cây nào cũng trĩu quả. Những trái đầu mùa được cung tiến, còn lại là món ngon dành cho chư tăng và Phật tử cũng như quan dân quanh vùng.

Năm Bính Thân (1896), chùa Kim Quang - Huế mở trai đàn siêu độ, đức vua Thành Thái cung thỉnh chư tôn đức tăng Phú Yên chủ sự. Quý ngài chư tôn Phú Yên đi Huế, vì cảm tạ ân đức của đức bà Từ Minh Huệ Thái Hậu, tháp tùng với ngài Pháp Lâm, Pháp Hỷ, Pháp Tạng. Tổ Pháp Ngữ trước khi xuống thuyền tại cửa biển Tiên Châu, huyện Tuy An, đã nhờ người mang 2 giỏ xoài, đi ngựa từ chùa Từ Quang ra Huế dâng lên đức bà cùng một phong thư.

Đức bà cảm nhận được hương vị thơm ngon của xoài Đá Trắng và tấm lòng của thiền sư Pháp Ngữ, bèn sai người hầu đem dâng cho vua Thành Thái. Từ đó xoài Đá Trắng có tên là xoài Ngự. Đức vua Thành Thái cũng ban lệnh cho quan Tri phủ Phú Yên phải cung tiến xoài Đá Trắng vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm và cũng là để làm vui lòng đức Từ Minh Huệ Thái Hậu…

Nếu chùa Đá Trắng nổi tiếng với xoài, thì chùa Thiên Thai nức tiếng gần xa với món tương ngọt. Tương tuyền quanh vùng chùa Thiên Thai có nhiều nguyên liệu để làm tương, nhất là đỗ mèo, một loại họ đậu mọc tự nhiên. Đây cũng là nơi nhiều người có cách làm tương ngon, ngọt…

Xoài Đá Trắng, tương ngọt chùa Thiên Thai giờ đây không còn phổ biến, nhưng hương vị của hai sản vật này dường như đã thấm trong từng câu ca, trong từng lời ăn, tiếng nói người dân xứ Nẫu. Hằng năm, vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng, chùa Đá Trắng tổ chức lễ hội thu hút đông đảo bà con Phật tử khắp nơi về tham dự với mong ước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà bình an hạnh phúc.

Hai năm nay, dịch bệnh hoành hành, chùa không tổ chức lễ hội, nhưng cứ nghe tiếng chuông chùa vang lên, lòng người dân Phú Yên lại thổn thức, lại muốn “rủ lên Đá Trắng ăn xoài”, muốn thưởng thức món tương ngọt chùa Thiên Thai dù nó đã đi vào quá vãng./.

Lê Nguyên - Trần Thanh Hưng