Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường biển

Những năm qua, ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh luôn có vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm ngư nghiệp. Với tiềm năng sẵn có cùng những chính sách tiên phong trong lĩnh vực nuôi biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành Trung tâm thủy sản miền Bắc.

Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành thủy sản với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngư trường Quảng Ninh được xác định là một 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.

thuy-san-quang-ninh-bao-ve-moi-truong-01-1711858860.jpg
Mô hình nuôi trồng thủy sản sử dụng vật liệu bền vững ở Quảng Ninh góp phần bảo vệ môi trường biển. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển

Để phát triển kinh tế thủy sản bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển, tỉnh Quảng Ninh đã xác định được 9.360ha khu vực biển dự kiến thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản với định hướng chú trọng phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Hài hòa giữa phát triển nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường biển, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt ra Quy chuẩn địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ vật liệu phao xốp truyền thống sang vật liệu HDPE thân thiện với môi trường.

“Mô hình nuôi đa canh chúng tôi áp dụng tại Vân Đồn, kết hợp nuôi cá, rong và hàu. Chúng tôi kết hợp xen canh với nhau, nuôi rong thì hàu sẽ được tăng cường dinh dưỡng, tăng cường quá trình lọc nước, tăng cường lượng oxy trong nước biển, giúp cho quá trình nuôi cá an toàn hơn, môi trường tốt hơn. Mô hình của chúng tôi hoàn toàn là về bảo vệ môi trường, hướng đến màu xanh bền vững, chúng tôi cũng muốn lan tỏa giá trị tới bà con bằng cách đầu tư ở mức độ hợp lý nhất, nhưng giá trị mang lại và bảo vệ môi trường ở mức tốt nhất”, ông Vũ Anh Tư, Phó Viện trưởng Viện công nghệ nuôi trồng thủy sản Super Trường Phát cho biết.

thuy-san-quang-ninh-bao-ve-moi-truong-02-1711858931.jpg
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển giúp các doanh nghiệp ở Quảng Ninh nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển. (Ảnh minh họa)

Cùng với việc tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhiều hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Như lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản tại khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần; khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (Tiên Yên)... Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với 10 loại đặc sản, đặc hữu trên địa bàn như ngán, sá sùng, rươi, bào ngư, hải sâm…; thiết lập 2 vùng cấm khai thác có thời hạn (khu vực bãi đẻ đến mùa sinh sản); tập trung giảm đội tàu khai thác ven bờ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác, tăng nuôi vì thế hệ mai sau…

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hằng năm được các cơ quan, đơn vị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ; trung bình hàng năm thả trên 7,1 triệu con giống thủy sản các loại ra các thủy vực tự nhiên để khôi phục nguồn lợi và kết hợp giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Về công tác quy hoạch, chúng tôi đã tham mưu tích hợp quy hoạch các khu bảo vệ, bảo tồn vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia với tổng diện tích hơn 500km2. Địa phương đang nghiên cứu triển khai các mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn kết với nuôi trồng, bảo tồn kết hợp làm dịch vụ để gia tăng giá trị trên mỗi diện tích biển. Chúng tôi huy động xã hội hóa nguồn lực thủy sản nhằm tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn; tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo môi trường biển ngày càng trong sạch, nguồn lợi ngày càng trù phú, được tái tạo nhiều hơn, người dân ngày càng có đời sống tốt hơn, giúp vùng biển ngày càng giàu đẹp hơn”, ông Đỗ Đình Minh cho biết thêm.

Phát triển thủy sản gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Để phát triển bền vững ngành thủy sản, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh năm 2024 gắn với Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong đó, đã đề ra các giải pháp khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch. Thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như triển khai công bố công khai khu vực phát triển nuôi biển thuộc Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 100% địa phương ven biển ban hành kế hoạch phát triển nuôi biển năm 2024; hoàn thành dứt điểm cấp phép, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch trong quý I/2024.

Đồng thời, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 13.560 ha, tăng 3.500 ha; sản lượng nuôi biển đạt trên 75.000 tấn chiếm 83% sản lượng nuôi trồng thủy sản; tăng trường trên 9,0%; tổ chức sản xuất, ương dưỡng được trên 04 tỷ con giống tăng 01 tỷ giống so với năm 2023 (trong đó giống tôm 2,5 tỷ, giống nhuyễn thể, cá biển và các đối tượng khác 1,0 tỷ). Đáp ứng gần 40% nhu cầu nuôi biển.

thuy-san-quang-ninh-bao-ve-moi-truong-03-1711858974.jpg
Người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE trong nuôi trồng thủy sản. (Ảnh minh họa)

Có 100% cơ sở được cấp mã cơ sở nuôi biển khi được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Có 100% cơ sở nuôi biển sử dụng vật liệu nổi sử dựng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương; tuyệt đối không để phát sinh cơ sở sử dụng phao xốp và vật liệu trong nuôi trồng thủy sản không đảm bảo quy chuẩn.

Tỉnh cũng sẽ triển khai 3 trạm quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên biển và quan trắc môi trường thủy sản định kỳ theo kế hoạch; xây dựng 1 mô hình mẫu về nuôi trồng thủy sản biển; tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung pháp lý quản lý nuôi biển, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ viễn thám quản lý nuôi biển.

Cùng với đó, tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) gắn với quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản… Hiện nay, Quảng Ninh đang xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 nhằm phát triển thuỷ sản là ngành mũi nhọn, quan trọng trong cơ cấu ngành nông lâm ngư và ngành kinh tế biển trên cơ sở phát huy phát huy lợi thế biển, đảo và cửa khẩu; tập trung phát triển thuỷ sản toàn diện đưa Quảng Ninh trở thành Trung tâm thuỷ sản Miền Bắc./.

Bình Châu